Kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở BĐ Bắc Bộ

Kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở BĐ Bắc Bộ

Mở đầu

Theo ghi chép của chính sử, ngay từ năm 1533, Công giáo đã vào đồng bằng Bắc Bộ và vùng đất Quần Anh (Nam Định) là nơi đầu tiên Công giáo có mặt, rồi từ đó lan tỏa ra nhiều làng quê Việt, kéo theo đó là hàng loạt nhà thờ lần lượt được xây dựng lên. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây thì cũng có nhiều nhà thờ đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Tây (ở lớp vỏ bên ngoài) với phong cách kiến trúc cổ truyền (ở bộ khung gỗ bên trong công trình). Niên đại hiện còn của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền cơ bản là khoảng cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Trên các cấu kiện kiến trúc của mỗi nhà thờ cũng còn được người thợ xưa chạm khắc, tô vẽ nhiều họa tiết hoa văn trang trí sinh động, mang dấu ấn đương thời. Sự hiện diện của những nhà thờ như vậy cũng đã góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt nói chung, làm phong phú kiến trúc truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Bản vẽ mặt cắt nhà thờ Duyên Lãng
Nhà thờ Duyên Lãng – Thái Bình

Vị trí, không gian cảnh quan

Nhà thờ Công giáo cũng như mọi công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác đều được chọn đặt ở vị trí thoáng đãng, có thế đất đẹp. Tuy nhiên, do nhà thờ Công giáo thường có quy mô, kích thước lớn hơn những ngôi đình, đền trong kiến trúc truyền thống nên chúng dễ nổi bật trong khung cảnh vùng quê. Những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ đa phần đều được chọn ở rìa làng, phía trước hướng về cánh đồng rộng hoặc dòng sông. Những nhà thờ có hộ dân bám xung quanh che khuất tầm nhìn thì đều là do sự gia tăng dân số, các hộ dân đã lập nhà, sống bám quanh nhà thờ. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà thờ hiện nay, do quá trình đô thị hóa nên đã nằm trong phố, như nhà thờ Hưng Yên hiện ở trung tâm phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), nhà thờ Từ Châu hiện nằm ở giữa thôn Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nhà thờ Ngũ Mã ở thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Nhà thờ Cao Mộc – Thái Bình

Xét trên tổng thể, các nhà thờ cũng được đặt ở vị trí thuận tiện về giao thông thủy, bộ. Đặc biệt nhiều nhà thờ có vị trí gần các con đê sông lớn (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc, sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ…) hoặc gần cửa sông, cửa biển, như nhà thờ Quần Liêu nằm gần biển ở Nghĩa Hưng – Nam Định. Đây cũng là vị trí quen thuộc của nhiều nhà thờ Công giáo ở nước ta khi buổi đầu truyền đạo, các cha xứ và phái đoàn truyền giáo thường đi theo đường thủy, lên truyền đạo tại các xóm ven sông, rồi từ đó mới đi sâu vào nội địa.

Mặt bằng tổng thể Nhà thờ Cao Mộc – Thái Bình

Các nhà thờ Công giáo ở đồng bằng Bắc Bộ thường quay theo hai hướng chính là Đông và Tây. Ngoài ra, cũng có một số nhà thờ quay hướng Đông Đông Bắc và Đông Bắc hoặc hướng Tây Bắc (như nhà thờ Cao Xá, Phủ Cừ, Hưng Yên). Đa phần các nhà thờ với tháp chuông nổi bật nên dễ nhận ra chúng trong khung cảnh làng quê. “Nhà thờ Công giáo nguyên thủy quay mặt về hướng Đông. Tiến hành truyền giáo, phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam các thừa sai, sau này là linh mục người Việt thường ít chú ý tới phương hướng đặt nhà thờ. Phần lớn các nhà thờ được đặt tùy hướng theo thế đất, như quay mặt ra hướng lộ, cũng có khi là quay theo hướng nào thuận lợi cho việc đi lại”

Bên trong khuôn viên với những nhà thờ có diện tích khuôn viên rộng, thì đều đã thiết kế thêm phần hồ nước, cây xanh nhằm tạo các điểm nhấn tự nhiên, như nhà thờ Duyên Lãng, Lai Ổn, Cao Mộc, Cam Châu, Lương Điền (Thái Bình). Hồ nước có thể đặt phía trước nhà thờ, như các nhà thờ Duyên Lãng, Cao Mộc (Thái Bình), Từ Châu, Hạ Hồi (Hà Nội), Phát Diệm (Ninh Bình), Ninh Cường (Nam Định) hoặc đặt bên cạnh, như các nhà thờ Lai Ổn, Cam Châu, Lương Điền, Đông Hồ (Thái Bình). Phía trước nhà thờ thường là không gian khá thoáng đãng; hai bên và phía sau có thể có những vườn cây cảnh hoặc cây lưu niên vừa lấy bóng mát, vừa tạo cảnh quan cho công trình. Trong khuôn viên nhà thờ, còn được thiết kế các mô hình hang đá hoặc các khu đặt tượng thánh. Nhiều nhà thờ xung quanh Nhà thờ chính còn xây bệ đặt tượng 14 đàng Thánh giá.

Bản vẽ nhà thờ Đông Hồ – Thái Bình

Nhà thờ Đông Hồ - Thái Bình

Có thể thấy, với vị trí và cảnh quan như vậy, những ngôi nhà thờ có bộ gỗ truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã khéo léo bố cục để công trình của mình hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh. Nhà thờ vẫn nổi bật trên nền cảnh của làng quê với những kiến trúc đồ sộ, Tháp chuông cao nhưng trong từng vị trí chúng vẫn được các cây xanh che phủ để công trình tuy lớn nhưng vẫn không có cảm giác bị chế ngự bởi những khối xây.

Bố cục mặt bằng tổng thể

Trong tổng thể một khu nhà thờ Công giáo, ngoài Nhà thờ chính còn có các hạng mục kiến trúc phụ trợ. Tùy vào mỗi nhà thờ mà số hạng mục kiến trúc phụ trợ này khác nhau.

Tháp chuông: Cũng như Nhà thờ chính, đây là kiến trúc bắt buộc phải có trong một nhà thờ Công giáo. Nhiều nhà thờ còn có 2 hoặc 3 tháp chuông, như các nhà thờ Cao Xá, Trần Xá (Hưng Yên), Cao Mộc, Duyên Lãng (Thái Bình), Đồng Bình (Hải Dương). Tháp chuông có thể là một kiến trúc gắn liền với Nhà thờ chính. như nhà thờ Ngô Xá, Lực Điền, Thiện Phiến (Hưng Yên), Lai Ổn, Lương Điền (Thái Bình), Ninh Cường (Nam Định), Thanh Xá (Hải Dương) hoặc là một kiến trúc độc lập, tách rời khỏi Nhà thờ chin, như các nhà thờ Hưng Yên, Cao Xá, Trần Xá, Viên Tiêu, Trung Châu (Hưng Yên), Cao Mộc, Duyên Lãng (Thái Bình)….
Tháp chuông là công trình cao nhất trong tổng thể nhà thờ, trên đỉnh thường đặt cây Thánh giá. Nhà thờ đổ chuông để báo giờ lễ cho giáo dân hoặc trong các dịp lễ quan trọng và vượt lên trên tất cả những điều đó, tháp chuông còn thể hiện sự linh thiêng, quy tụ các con chiên lạc về với Chúa. Trong lòng tháp chuông có đặt các quả chuông, đa phần là chuông Tây (chuông có dây kéo) và cũng có một số nhà thờ đặt chuông Nam (chuông nện vồ) như tại nhà thờ Phát Diệm.

Nhà thờ chính: Công trình này có mặt bằng chữ nhật, bố cục dọc, thường nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên. Phía trước Nhà thờ chính luôn có một sảnh, thường là một bệ xây gạch, hình chữ nhật, chiều ngang bằng với chiều ngang của Nhà thờ chính và cao hơn sân bao quanh từ 0,4 đến 0,7m. Từ dưới sân sẽ có một số bậc cấp dẫn lên phần sảnh phía trước nhà thờ. Sự xuất hiện của sảnh này là điểm khác biệt so với những kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, như đình, đền, chùa.

Các thành phần phụ trợ khác:

  • Nhà xứ, hay nhà mục vụ giáo xứ là nơi hội họp điều hành các hoạt động của giáo xứ, cũng có các phòng cho giáo sĩ ăn, ở và làm việc.
  • Nhà dãy: Nhà dãy tương tự như hành lang, được làm song song với Nhà thờ chính ở một hoặc hai bên. Có những cách giải thích khác nhau về xuất xứ của nhà dãy; một số nhà nghiên cứu cho rằng “nhà dãy được làm ra để cho tín đồ ở xa mỗi dịp về nhà thờ tham dự thánh lễ có nơi nghỉ ngơi qua đêm. Ngày thường nhà dãy được dùng vào việc dạy kinh bổn, dạy hát cho trẻ thơ, cho người tân tòng và trong những thánh lễ trọng, khi nhà thờ quá tải tín đồ thì họ ngồi trong khu nhà dãy để “lễ vọng”. Những Nhà dãy cổ hiện còn có thể kể đến như ở nhà thờ Hà Hồi, nhà thờ Từ Châu (Hà Nội). Tuy nhiên không phải nhà thờ nào hiện cũng có Nhà dãy, đặc biệt những nhà thờ giáo họ thì hầu như không có Nhà dãy. Một số nhà thờ giáo xứ cũng mới xây bổ sung Nhà dãy phục vụ cho các dịp thánh lễ, như nhà thờ Lực Điền (Hưng Yên).
  • Nhà Hội quán: Còn gọi là nhà Quán cư, nhà Hội đồng. “Ở những làng Công giáo toàn tòng, nhà Hội quán còn được dùng vào việc bàn bạc, quyết định những phần việc đời của làng đạo. Việc xuất hiện những nhà Hội quán làm cho quần thể kiến trúc nhà thờ thêm phong phú, đa dạng, tạo thêm những công năng mới”. Nhiều nhà Hội quán cũng được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với bộ khung gỗ đỡ mái, như nhà Hội quán ở Nhà thờ Bình Sa (Ninh Bình).
  • Đường kiệu: Nhiều xứ đạo thường làm một đường kiệu bao vòng quanh trong khuôn viên nhà thờ, dùng cho việc rước kiệu trong một số thánh lễ. Đường kiệu thường được lát bằng vật liệu và màu sắc khác với phần sân để dễ phân biệt. Một số nhà thờ, đường kiệu chỉ làm bao vòng quanh Nhà thờ chính nhưng một số nhà thờ đã làm đường kiệu vòng rộng hơn, bao cả khu hồ phía ngoài và dọc đường kiệu có cắm hoặc giăng những dãy cờ để dễ phân biệt, như nhà thờ Hà Hồi (Hà Nội) được làm vòng ra ngoài, tới khu đài Thánh tử đạo.
  • Hang Lộ Đức: Hang Lộ Đức hay hang Đức Mẹ Lộ Đức được dựng lên để kỷ niệm sự kiện Đức mẹ Maria hiện ra tại vùng núi Lourdes (phiên âm tiếng Việt là Lộ Đức) thuộc nước Pháp, nổi bật nhất là lần hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous vào ngày 11/02/1858.
Nhà thờ Cao Xá – Hưng Yên

Mặt cắt nhà thờ Cao Xá – Hưng YênNgoài ra quanh khuôn viên nhà thờ có thể có các công trình khác như Đài Đức Mẹ, các tượng đài thánh, phòng học giáo lý, nhà hài cốt (nơi đặt các hũ tro cốt người chết), thư viện, nhà hậu… Không phải nhà thờ nào cũng đầy đủ các hạng mục phụ trợ nêu trên; những nhà thờ với quy mô lớn, thuộc trung tâm của giáo xứ sẽ có khuôn viên rộng và nhiều hạng mục công trình hơn những nhà thờ giáo họ… Có nhà thờ như nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), trong tổng thể gồm hàng chục hạng mục công trình và được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau… Trong tổng thể như vậy, Nhà thờ chính là công trình đồ sộ nhất, có giá trị nhất về kiến trúc, nghệ thuật.

Toàn bộ khuôn viên nhà thờ được bao bọc bởi hàng tường rào thưa thoáng. Theo quan điểm của Công Đồng Vatican II, giáo hội không tự bao bọc lấy mình mà mở ra cho mọi người và đến với muôn dân, vì thế nên hàng rào thường không xây cao, kín mang tính chất tách biệt. Đôi tường rào còn được trồng thêm hàng cây xanh che phủ vừa thoáng mát vừa thân thiện với môi trường.

Kiến trúc nhà thờ chính

 Bố cục mặt bằng

Ở các nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền, mỗi Nhà thờ chính sẽ có từ 06 đến 11 gian (kích thước một gian rộng khoảng trên, dưới 3,5m), được phân chia thành những phần sau:

  • Tiền sảnh: Là gian đầu tiên, nằm ngay sau cửa ra vào. Với trường hợp tháp chuông được xây sát vào Nhà thờ chính thì Tiền sảnh là tầng 1 của tháp chuông (như các nhà thờ Ngô Xá, Thiện Phiến, Lực Điền – Hưng Yên, Thanh Xá – Hải Dương…). Nền Tiền sảnh thường bằng với cốt nền của phần sân/sảnh phía trước hoặc chỉ cao hơn một chút.
    Tiền sảnh thường có một góc đặt giếng rửa tội, điều này nhằm nhắc nhở rằng Bí tích rửa tội chính là cửa bước vào giáo hội. Giếng rửa tội thường bằng đá và được chia làm hai phần, một phần giữ nước thánh, còn phần kia để tiếp nhận nước thánh rơi xuống từ đầu người được cử hành Bí tích rửa tội. Cạnh giếng rửa tội thường đặt một cây nến Phục sinh, được đốt lên khi cử hành Bí tích rửa tội. Hiện nay có nhiều nhà thờ đã bỏ giếng rửa tội ở gian Tiền sảnh.
    Tại nhiều nhà thờ bên trên gian Tiền sảnh thường có một căn gác, đó là nơi để đàn và hội hát (ca đoàn) đàn hát khi cử hành thánh lễ. Hiện nay, nhiều nhà thờ không có gác đàn mà thay vào đó hội hát sẽ được dành cho một vị trí phía dưới, gần gian Cung thánh.
  • Lòng nhà thờ: Sau gian Tiền sảnh là Lòng nhà thờ (còn gọi là Giáo đường, hay Cộng đoàn), nơi giáo dân hành lễ. Lòng nhà thờ trong tiếng Latinh là navis có nghĩa là tàu, thuyền, với một ý nghĩa sâu xa, miêu tả con thuyền của Giáo hội, con tàu của thánh Peter đang lênh đênh giữa biển đời sóng gió để hướng tới một mục tiêu vĩnh cửu là hướng về Thiên đàng .
    Lòng nhà thờ là khu vực dành cho giáo dân, chiếm số gian nhiều nhất, thường chung cốt với nền Tiền sảnh. Khu này thường được bày các hàng ghế để giáo dân ngồi hoặc quỳ khi hành lễ; giáo dân nam sẽ ngồi bên trái, nữ sẽ ngồi bên phải (tả nam, hữu nữ). Chỗ ngồi ở khu Lòng nhà thờ được thiết kế sao cho thuận tiện để giáo dân khi tham dự các nghi thức có thể nhìn thấy bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa… Trong Lòng nhà thờ, thường đặt một vài tòa giải tội, nơi đây linh mục sẽ nghe những lời xưng tội của người đến xưng tội và ban Bí tích hòa giải. Điều 964, Bộ Giáo luật 1983, quy định: “(1) Nơi dành riêng để xưng tội là Nhà thờ hay Nhà nguyện. (2) Hội đồng Giám mục phải ra những quy luật liên hệ đến tòa giải tội, liệu sao để có tòa giải tội đặt nơi công khai cùng với một vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, ngõ hầu các tín hữu có thể tự do đến tòa giải tội khi họ muốn”.
    Xung quanh nội thất Nhà thờ chính luôn có 14 chặng Đàng Thánh giá, thường được làm bằng tranh kính hoặc tượng, gồm 14 bức tranh hay phù điêu, được chia làm hai, mỗi bên là 07 bức mô tả lại cuộc thương khó của chúa Giêsu. Ngoài ra, trên các cột đỡ bộ khung kiến trúc tại Nhà thờ chính có thể còn được đặt tượng thờ các vị thánh, như thánh Vincent, thánh Domingo, thánh Teresa, thánh Fantima… Những tượng thánh này thường đặt trong một khám gỗ đóng trên thân cột…
  • Cung thánh: Qua khu Lòng nhà thờ tới Cung thánh (thường chiếm 2 hoặc 3 gian cuối cùng của Nhà thờ chính). Đây là nơi linh mục, cha xứ chủ tế thực hiện các nghi lễ. Cung thánh thường ở vị trí trang trọng và trên cấp nền cao hơn Lòng nhà thờ khoảng 30 – 40cm để giáo dân có thể theo dõi thánh lễ. “Cung thánh cần được phân biệt với lòng nhà thờ bằng một độ cao, hay bằng cấu trúc và cách trang trí đặc biệt. Cung thánh phải đủ rộng để việc cử hành các nghi thức thánh được diễn ra một cách thuận tiện và được nhìn thấy dễ dàng”.
    Cuối Cung thánh là bức vách được trang hoàng lộng lẫy, chạm trổ tinh xảo và được coi là nơi trang trọng, linh thiêng nhất của nhà thờ; phía trên có treo Thánh giá, phía dưới có Nhà tạm (nơi cất giữ Thánh thể) và một quyển Kinh Thánh (sách thật hoặc hình ảnh, tượng). Nhà tạm tiếng Hipri là míshkan nghĩa là cư ngụ, trong tiếng Latinh là Tabernaculum có nghĩa là một cái lều. Trong thời Cựu ước, dân Do Thái đã làm nhà tạm theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa ban cho ông Môsê. Nó như một ngôi đền hay Cung thánh di động, có thể mang đi được, có hình như lều trại, khi dân Do Thái lang thang trong hoang địa. Điều 983, Bộ Giáo luật năm 1983, quy định: “Nhà Tạm có lưu giữ Thánh thể phải được đặt tại một vị trí nổi bật và dễ thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện, được trang hoàng mỹ thuật và thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhà Tạm có lưu giữ Thánh thể thường ngày phải bất di dịch, phải được làm bằng chất liệu chắc chắn không trong suốt và phải khóa kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh” .
    Trên Cung thánh còn có bàn thờ và Giảng đài, là nơi để công bố và rao giảng Lời Chúa. Giảng đài có gốc từ tiếng Hy Lạp anabainein nghĩa là ngọn núi hay đi lên cao, thường đặt chếch về một bên, sát với gian lòng nhà thờ. Giảng đài có thể được làm bằng gỗ hoặc đá, trang trí các biểu tượng liên quan đến Kinh thánh, được làm một cách cố định và kiên cố ở nơi mà mọi người có thể nhìn thấy và nghe được lời linh mục, chủ tế công bố Lời Chúa.
    Bàn thờ có thể bằng gỗ hoặc đá, thường đặt cố định ở khoảng giữa không gian Cung thánh. Bộ Giáo luật năm 1983, điều 1235 quy định: “(1) Bàn thờ, tức là chiếc bàn mà Hiến Tế Thánh Thế được cử hành trên đó, được coi là cố định, nếu được xây gắn liền với nền nhà, đến nỗi không thể di chuyển được; được coi là di động, nếu có thể di chuyển được. (2) Trong tất cả mọi nhà thờ, nên có một bàn thờ cố định; nhưng trong các nơi khác dành cho việc cử hành các nghi lễ thánh, bàn thờ cố định hay di động”. Phía sau bàn thờ có ghế chủ tọa để khi cử hành phụng vụ, linh mục chủ tế sẽ ngồi điều khiển cộng đoàn và hướng dẫn họ thực hành các nghi thức. Một số trường hợp tại các nhà thờ Chính tòa có ngai của giám mục thì linh mục chủ tế không được phép ngồi trên ngai đó.
    Cung thánh cũng là nơi bày tượng thờ các Thánh Công giáo hay các Thánh tử đạo liên quan đến nhà thờ hay địa phương, trong các ô khám riêng. Tùy từng nhà thờ mà số lượng tượng thờ khác nhau. Trung tâm luôn là tượng thánh Quan thầy cho nhà thờ (mỗi nhà thờ chỉ có duy nhất một thánh Quan thầy).
  • Phòng thánh: Còn gọi là Gian áo lễ, phòng áo, tiếng Latinh là sacer có nghĩa là “Thánh thiêng”. Phòng thánh được xem như là nơi lưu giữ những vật dụng dùng trong các nghi thức phụng vụ Công giáo. Phòng thánh thông thường là một gian nhà nhỏ nằm sau và thấp hơn gian cung thánh, diện tích có khi chỉ tương đương 1 chái nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị các nghi thức phụng vụ và hoàn tất các nghi thức phụng vụ đó một cách xứng đáng và tôn nghiêm. “Phòng thánh, còn được gọi là phòng áo, là một phòng nhỏ nằm trong nhà thờ hay nhà nguyện. Đây là nơi cất giữ những vật dụng dùng trong phụng vụ và cũng thường là nơi các thừa tác viên mặc lễ phục trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ”.

Kết cấu kiến trúc

Bộ khung kiến trúc Nhà thờ chính được dựng trên 4 hoặc 6 hàng cột, gỗ lim với đường kính cột cái từ 45 đến 52cm, đường kính cột quân từ 35 đến 40cm. Khoảng các giữa cột cái đến cột quân liền kề từ 2,4 đến 2,7m (như nhà thờ Cao xá là 2,58m, nhà thờ Trần Xá là 2,8m, nhà thờ Viên Tiêu là 2,32, nhà thờ Ngô Xá là 2,65, nhà thờ Trung Châu là 2,92); cũng có nhà thờ khoảng cách giữa cột cái đến cột quân khá hẹp (như nhà thờ Thiện Phiến – Hưng Yên, chỉ 1,4m). Khoảng cách giữa hai cột cái thường từ 3,5 đến 4,5m. Có những nhà thờ nhỏ, khoảng cách giữa hai cột cái chỉ 2,5 đến 2,6m (như nhà thờ Thiện Phiến – Hưng Yên có 2,58m, nhà thờ Lê Xá – Hải Dương chỉ có 2,60m…), nhưng cũng có những nhà thờ lớn, khoảng cách giữa hai cột cái tới 6m (như ở nhà thờ Ngô Xá là 6m, Trung Châu là 6,2m). Các cột đều được kê trên chân tảng đá vôi kích thước khá lớn, cao từ 35 đến 50cm, nhiều chân tảng được làm kiểu cổ bồng. Kết quả khảo sát cho thấy về cơ bản có ba kiểu liên kết được dùng trong kết cấu bộ vì ở Nhà thờ chính là:

  • Kiểu giá chiêng – chồng rường cụt: nhà thờ Duyên Lãng, Lương Điền (Thái Bình), Trần Xá, Viên Tiêu (Hưng Yên), Giáp Ngọ (Hải Dương)… Tùy từng độ rộng lòng nhà và số lượng hoành mái mà có số lượng rường đỡ tương ứng. Có những nhà thờ có hai rường suốt và 2 rường cụt gắn vào thân cột trốn, như nhà thờ Trần Xá (Hưng Yên), Đông Hồ (Thái Bình).
  • Kiểu ván mê: Như Nhà thờ Lai Ổn, Xá Thị (Thái Bình), lòng ván mê khoét rỗng một khung ô tạo thành hình giá chiêng…
  • Kiểu vì kèo/kẻ: Như Nhà thờ Lực Điền, nhà thờ Thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), nhà thờ Cao Mộc (Thái Bình)… Một điểm khác biệt trong việc sử dụng liên kết kiểu kẻ là dưới dạ kẻ (đặc biệt kẻ ở vì nóc) thường được tạo thành những vòm cung chứ không để thẳng. Đây là hình thức mô tả lối kiến trúc cuốn vòm trong các vòm trần nhà thờ theo phong cách châu Âu.

Có nhà thờ vừa sử dụng kiểu vì kèo, vừa sử dụng kiểu vì giá chiêng – chồng rường, hoặc vừa sử dụng kiểu ván mê, vừa sử dụng kiểu vì kèo, tùy từng gian khác nhau. Tuy nhiên, trong kết cấu bộ vì ở đây có thể thấy một sự thống nhất giữa vì nóc và vì nách trên cùng một trục, tức nếu vì nóc là kiểu chồng rường hoặc kiểu kèo/kẻ thì vì nách cũng là kiểu chồng rường hoặc kèo/kẻ tương ứng. Các cấu kiện gỗ như cột, xà, kẻ, bẩy cũng được liên kết với nhau bằng các hình thức mộng, chốt để tạo sự liên hoàn trong bộ khung gỗ. Đầu cột thường được xẻ mộng, tạo liên kết mộng sập với câu đầu, xà nách. Thân cột liên kết với các xà dọc bằng mộng xuyên lửng….

Nhà thờ Lai Ổn – Xá Thị (Thái Bình)

Trong một bộ vì, độ cao từ nền tới đỉnh cột cái thường từ 3,8m đến 4,5m, từ nền tới thượng lương khoảng 5m… Tuy nhiên, cũng có những nhà độ cao từ nền đến cột cái cao hơn 6m, đến thượng lương hơn 8m, như nhà thờ Cao Xá, Trần Xá (Hưng Yên), nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), Phương Quan (Hải Dương), Lai Ổn (Thái Bình)…

Hệ mái và bao che:

Nhà thờ chính thường có 2 mặt mái chính lợp ngói di hoặc ngói mũi. Có những nhà thờ (như nhà thờ Ngô Xá – Hưng Yên), phần Cung thánh có mặt bằng 6 cạnh và trên hệ mái cũng có tới 6 mặt mái.

Bề mặt mái nhà thờ chính thường có diện tích khá lớn, lại nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, nắng mưa nhiều nên bờ mái thường được làm khá chắc chắn. Có những Nhà thờ chính có đường bờ nóc khá lớn (rộng tới 50 – 70cm), có thể di chuyển dễ dàng trên đó, như Nhà thờ Ngô Xá (Hưng Yên), Lương Điền (Thái Bình). Cũng có những nhà thờ, như Nhà TP phố Hưng Yên (Hưng Yên), đắp trang trí hoa văn là những hình thánh giá chạy dọc đường bờ nóc…; có những nhà thờ còn xây thêm tường chắn mái ở hai bên, nước mưa chảy xuống sẽ được thu về ống thoát nước hai đầu hồi. Kỹ thuật này vừa giúp nước mưa không chảy lan ở hai đầu hồi, vừa giúp chắn gió từ hai bên lùa vào lớp mái.

Nhà thờ Trần Xá – Hưng Yên

Bao che xung quanh Nhà thờ chính hiện đều là tường xây gạch. Tuy nhiên, trước kia có nhiều nhà thờ bao che xung quanh vẫn là vách gỗ, được làm trên hàng cột quân, về sau người ta mới bỏ vách gỗ để xây tường gạch ra ngoài nhằm mở rộng Lòng nhà thờ, như nhà thờ Viên Tiêu, Trần Xá, Cao Xá (Hưng Yên), Xá Thị (Thái Bình), Phương Quan (Hải Dương)… Tường gạch hiện được xây cách hàng cột quân khoảng 1,5 đến 2m. Gạch xây tường thường là loại gạch đặc, kích thước 5 x 10 x 20cm, hoặc gạch bìa, kích thước 3 x 7 x 13cm. Tường xây được trát vữa kín cả 2 mặt; thân tường mặt ngoài còn được đắp hoa văn trang trí. Trên thân tường hai bên Nhà thờ chính thường mở cửa sổ và cửa ra vào. Thông thường mỗi bên sẽ có 02 cửa ra vào, còn số cửa sổ tương ứng với mỗi gian. Cánh cửa thường làm bằng gỗ kiểu bức bàn hoặc nan chớp.

Sơ đồ bố trí không gian trong nhà thờ chính

Mặt tường phía trước nhiều nhà thờ được xây cao vượt hẳn lên. Thân tường cũng xây các cột ốp cùng nhiều họa tiết đắp vẽ khá cầu kỳ các hình tượng chúa, tượng Thánh… Chính giữa trên đỉnh tường có gắn cây thánh giá. Mặt ngoài tường bao xung quanh Nhà thờ chính thường được đắp vẽ các họa tiết trang trí bằng chất liệu vôi, vữa. Hoa văn đắp vẽ vừa có dạng tượng tròn, vừa có dạng phù điêu, với các đề tài như hình chùm nho, hoa mân côi, cây thánh giá, cỏ 3 lá, 4 lá, các tượng quan thầy, tượng thánh Công giáo, thánh tử đạo… Kỹ thuật này là sự kết hợp khéo léo giữa điêu khắc và hội họa, tạo nên sự sinh động cho công trình.
Cửa chính được mở ở mặt trước; có thể có 3 hoặc 5 lối ra vào, tạo hình cuốn vòm, có thể giật nhiều cấp phía trên, cửa giữa lớn nhất. Nhìn chung, xét về mặt đứng phía trước của những Nhà thờ chính có bộ khung gỗ truyền thống, có thể chia thành hai loại:

  • Loại thứ nhất, mặt trước có mái lợp ngói với các đầu đao uốn cong cùng các họa tiết trang trí thuần Việt. Tháp chuông không gắn với mặt tiền mà thường được tách rời khỏi công trình. Niên đại những nhà thờ này thường vào cuối thế kỷ 19.
  • Loại thứ hai, mặt trước mang phong cách nhà thờ châu Âu với điểm nhấn là tháp chuông cao vút cùng các họa tiết trang trí kiểu phương Tây. Những nhà thờ này niên đại xây dựng thường muộn hơn (khoảng đầu thế kỷ 20). Một số nhà nghiên cứu (như Nguyễn Hồng Dương) gọi kiểu kiến trúc này là “nhà thờ vỏ Tây, ruột Nam”.

Lời kết

Công giáo đã vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ từ khá sớm, sau đó lan rộng ra cả nước, cùng với đó là một loại hình kiến trúc tôn giáo mới ra đời. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo theo phong cách kiến trúc châu Âu thì cũng đã xuất hiện những nhà thờ Công giáo được dựng trên bộ khung kiến trúc bằng gỗ, theo phong cách truyền thống.

Số lượng nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ truyền thống hiện còn tập trung chủ yếu ở một số giáo phận như Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội…; những giáo phận khác số lượng ít hơn. Ngoài ra, mặc dù đã vào nước ta từ nửa đầu thế kỷ 16, nhưng những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ hiện cũng chỉ còn thấy với mốc niên đại từ nửa sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.

Hoa văn trang trí trên kiến trúc nhà thờ Công giáo chủ yếu là những đề tài hoa lá, các đề tài mang biểu tượng công giáo như chùm nho, bông lúa, cây thánh giá, hoa mâm côi, bụi mận gai, trái tim đâm thâu, hoa huệ tây… và được thể hiện với kỹ thuật đục chạm, đắp vẽ truyền thống. Sự xuất hiện của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông – Tây đặc sắc trong nền kiến trúc dân tộc. Các nhà thờ Công giáo có kết cấu gỗ truyền thống cũng là một di sản văn hóa kiến trúc quý báu, thể hiện tâm hồn, sự sáng tạo của người dân Việt. Không chỉ vận dụng phương thức xây dựng truyền thống vào công trình nhà thờ mà việc tổ chức lại không gian từ tiếp cận theo chiều ngang với gian giữa là trung tâm, chuyển sang tiếp cận theo trục dọc là sự vận dụng mấu chốt và sáng tạo trong kiến trúc những ngôi nhà thờ có bộ khung gỗ cổ truyền.

TS. Tạ Quốc Khánh
Viện Bảo tồn di tích
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Vũ Thị Ngọc Anh (2022), Nhận diện tính bản địa của nhà thờ Công giáo kiến trúc gỗ tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, ĐHXDHN, số 16 (4V)
2. Trần Quốc Bảo (2021)“Giá trị di sản kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ” Tạp chí Kiến trúc số 8/2021
3. Hoàng Đạo Cương (chủ biên) (2020), “Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (Tập 1, NXB Văn hóa dân tộc)
4. Hoàng Đạo Cương (chủ biên) (2020), “Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” (Tập 2, NXB Văn hóa dân tộc)
5. Nguyễn Hồng Dương (1998), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Tạ Quốc Khánh (2019) Khảo sát đánh giá nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở tỉnh Thái Bình (Nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở năm 2019, Tư liệu Viện Bảo tồn di tích)
7. Tạ Quốc Khánh (2021), Khảo sát đánh giá nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở tỉnh Hưng Yên, đề xuất giải pháp phù hợp khi tu bổ (Nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, Tư liệu Viện Bảo tồn di tích).
8. Nguyễn Hồng Kiên (1996), Kiến trúc gỗ cổ truyền Việt, Tạp chí Kiến trúc số 3.
9. Huỳnh Phương Lan (2009) “Nhà thờ Công giáo có cấu trúc gỗ truyền thống ở tỉnh Nam Định” (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở – Tư liệu Viện Bảo tồn di tích)
10. Nguyễn Nghị (2006), Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, kiến trúc-lịch sử, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.
11. Đỗ Trần Phương (2021), Biểu tượng nhà thờ Công giáo ở Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Tư liệu Thư viện Quốc Gia
12. Nguyễn Tất Thắng (2019), Kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Việt Nam – Những giá trị cần phát huy, Tạp chí Xây dựng số 08/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *