Những ngày cuối tháng 7/2024, buổi chiều hay có những cơn mưa, nên trời bắt đầu chuyển mát.Đồng hành với các KTS trẻ, tôi trở lại làng cổ Lộc Yên-làng cổ có những ngôi nhà xưa (*).
Những ngõ đá với rong rêu, địa y, dương xỉ… đã trở lại với màu tươi xanh nhờ cơn mưa chiều qua. Tới lối dẫn vào ngôi nhà xưa đẹp nhất của làng – nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh nay anh con trai – anh Hoan tiếp tục trông nom, gìn giữ. Ngôi nhà nổi tiếng vì câu chuyện ông Ngô Đình Diệm mua hai lần mà cụ cố anh Hoan, không bán (lần đầu ông từ Huế là xứ của nhà Rường vào Tam Kỳ nhờ người mua; lần hai khi đã là tổng thống cũng hỏi mua). Ngôi nhà mà tôi đã đến đo vẽ từ năm 1996 và đã nhiều lần ngồi nghe cụ Nguyễn Huỳnh Anh kể chuyện kiến trúc cùng phường thợ xây dựng. Ngôi nhà được người thợ cả: Ông tên Tí, ông Khói của người làng mộc Văn Hà, Tam Thành, Phú Ninh dựng khung và chạm khắc (ảnh 1). Cụ cố Nguyễn Đình Hoằng (Cụ cố của cụ Nguyễn Huỳnh Anh) hồi ấy đã dựng cho 3 người con đến 3 căn. Nay ngoài nhà anh Hoan, còn nhà anh Nguyễn Đình Mẫn và nhà Đồng Viết Mão cũng toạ lạc gần đó.
Tôi thật hứng chí “thuyết minh” vì hôm nay cùng thầy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cùng các KTS đã cùng đam mê yêu kiến trúc cổ và đang hứa hẹn cho những nghiên cứu sau đại học. Thật có “duyên” để có dịp trao đổi trực tiếp về cách dựng nhà, các cấu kiện gỗ… trong kiến trúc xưa của người Việt đã đến vùng Trung du xứ Quảng tạo dựng nên! Ngày ấy, nơi này không thuận lợi giao thông nên đã có những kiến trúc với nguyên liệu, vật liệu khai thác tại chỗ). Khung nhà bằng gỗ mít, thầu đâu/xoan chủ yếu cây trồng trong vườn. Một kết cấu mà tôi muốn giới thiệu với các KTS trẻ là sự khác biệt với các kết cấu thường thấy: Đoạn kèo nối với kèo quyết được người thợ mộc địa phương để cố định cột nhờ được kê trên cột cửa ra vào phía hông nhà (cửa đầu hồi nhà). Thanh kèo này có tên riêng của người Tiên Phước: Kèo Giả Tai và cột đỡ nầy cũng được gọi là cột Giả Tai. Kiểu thức này chỉ xuất hiện ở nhà xưa ở Tiên Phước (nhấn mạnh). Với những ngôi nhà xưa ở làng cổ Lộc Yên ta sẽ không thể bỏ qua yếu tố thẩm mĩ về cách tạo hình với các kỹ thuật chạm trổ:
Lấy đất, ám họa đến chạm lộng ở bụng kèo, má kèo, tấm gia thu với hình thức cuốn thư cách điệu gọi là Gia Thu Thủ Quyển. Để trang trí gần gũi với nông thôn, sự chọn lựa thường mang ý nghĩa nông nghiệp, tâm thức cầu mong như đề tài no đủ, sinh sôi nảy nở, an bình, thuận lợi phát lộc, thọ khang… Những hình ảnh quen thuộc từ hệ thực vật, cây cỏ đến hệ động vật là con vật nuôi quen thuộc ở nông thôn làm biểu tượng cho các tín ngưỡng, nhân sinh quan của người Việt. Dễ nhận như đề tài tứ quí của bốn mùa Mai-Lan-Cúc-Trúc; ngộ nghĩnh như gốc – cành tre hóa thành rồng; mai hóa thành phượng…); bình dị như sen hóa cá, cá với sóng nước, hoa cúc, mẫu đơn, hoa quì, cá chép… Những cặp như sen-vịt (liên áp), nho-sóc, tùng-nai (tùng-lộc). Một kiến trúc quan trọng dẫu rằng được xem là phụ so với sự bề thế của nhà chính, đó là nhà ngang.
Nhà ngang ở Lộc Yên còn giữ được mô hình truyền thống trong mặt bằng sinh hoạt của nhà Việt chính là kiến trúc này nằm bên trái của nhà chính (hướng Đông/bích Đông), nối với nhà chính bằng một nhà nhỏ gọi là nhà cầu. Đây là một phòng nhỏ, hẹp bề ngang được lợp mái (tranh hoặc ngói). Nhà này cũng có 02 mái trước sau và 02 mái hồi. Phần nối mái hồi của nhà chính và mái hồi của nhà ngang là máng xối thoát nước. Nhưng có nhà đã khá công phu biến đầu máng xối thành hình miệng cá. Ngày trước, hầu như các ngôi nhà này đều làm bằng tre lợp tranh, sau này những chủ nhân làm ăn khá giả thì bộ khung nhà được thay bằng gỗ và có một số thay đổi chi tiết về kết cấu, cũng như đơn giản về chạm trổ so với nhà chính… Bộ khung đỡ trong khái niệm chung của loại nhà dân gian miền Trung, người ta phân thành hai loại nhà: Nhà Rường(1) và nhà Rội(2). Rường là cột không chôn xuống đất; Rọi là cột chôn xuống đất và xuất hiện sớm trước nhà Rường. Thân nhà cũng được chăm chút bằng thân tre và thân cây cau chẻ nhỏ làm cốt bên trong (bản vẽ minh họa), ngoài trát đất sét, đất bùn lấy từ dưới ruộng thấp trộn với rơm. Nay còn tồn tại là nhà của ông Trần Khiêm (ảnh chụp). Với bộ khung gỗ thì hôm nay trong 7 ngôi nhà Rường còn tồn tại ở Lộc Yên chỉ còn 02 ngôi nhà ngang của vợ chồng anh Đồng Viết Mão và vợ chồng anh Nguyễn Đình Mẫn là những ngôi nhà Rường. Mặc dầu một số cấu kiện như rui, đòn tay, thân nhà và cửa đã thay đổi nhưng bộ khung gỗ đỡ mái nhìn chung vẫn giữ được nhiều yếu tố nguyên gốc. Nhà ngang của anh Mẫn, nhìn mặt chính bên ngoài là nhà 1 gian với 2 chái, mái lợp ngói mới (2006); tuy nhiên vào bên trong gian giữa được mở rộng: Bỏ vài cột (hàng ngang) khiến lòng gian rộng thoáng tiện cho sinh hoạt (xay lúa, giã gạo, chế biến thực phẩm). Do chiều dài hay hàng dọc của 2 vì được nới rộng khoảng cách nên cần phải có xuyên lớn và dài gọi là xuyên trường giảm phần cột để tăng không gian bên dưới nhưng phải duy trì phần cột bên trên: Trụ trốn/trụ tiêu liên kết với trính đỡ kèo và khung mái. Có thể khẳng định rằng dẫu ở Lộc Yên chỉ còn duy nhất nhà ngang của anh Mẫn có kiểu thức xuyên trường (bản vẽ 1) nhưng là hình thức phổ biến ở các ngôi nhà phụ, nhà ngang ở Quảng Nam (ví dụ nhà ông Nguyễn Nho Phán ở Điện Minh, Điện Bàn, nhà ông Huỳnh Hường, thôn Phiếm Ái, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc). Nhà ngang là nơi đầu tiên người phụ nữ thường xuyên sinh hoạt (lo bếp núc, chế biến thực phẩm, chăm sóc con cái, …), kế đến là người giúp việc, quản gia, những người giúp làm ruộng, vườn… cũng nghỉ ngơi ở đây, và cũng là nơi chứa các công cụ làm vườn, chế biến thực phẩm như cối xay lúa, bắp, khoai sắn, nơi trâu đạp lúa, chế biến ngũ cốc (sàn, nghiền, ủ, phơi…). Như vậy dẫu là ngôi nhà phụ, nhà ngang nhưng không gian bên trong này là nơi phục vụ chính cho cuộc sống, từ trẻ con cho đến người già.
Chuồng trại chăn nuôi: Thường bố trí sau nhà bếp hoặc sau nhà ngang. Thông tin cho biết ngày xưa ngoài chuồng trâu bò, heo, gà… người giàu trong làng còn có chuồng ngựa. Dẫu là chuồng trâu – ngựa nhưng người xưa cũng làm theo kết cấu Rường (cột kê trên đá tán), gọi nôm na là Trâu rường. Những chuồng trại chăn nuôi hầu như có bộ khung bằng tre lợp tranh, thân vách xây bằng đá núi, hoặc vách đất cốt tre ván gỗ.
Giếng nước: Là một công trình quan trọng trong sinh hoạt của người làng Lộc Yên. Do vị trí nhà nằm ở lưng chừng đồi, thấp hơn một chút gần mép chân đồi nên nguồn nước không phải lúc nào cũng có, vào mùa hạn, nước chỉ còn lưu chuyển ở dưới khe (Vũng Trâu), người ta phải đào giếng gần chân đồi và sát nguồn nước tự nhiên. Giếng bao giờ cũng nằm trước nhà, cạnh ngõ dẫn lên nhà. Riêng với nhà nằm ở Gò Tròn như nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh có cách lấy nước từ thiên nhiên rất riêng. Thế hệ trước đã biết khai thác nguồn nước chảy từ đồi đá ở bên trên bằng cách khơi dòng dẫn vào giếng nước tự tạo cũng bằng đá. Giếng vẫn luôn đầy nước ngay cả vào những mùa hạ nóng bức).
Trong 8 ngôi nhà bằng gỗ là loại nhà rường thì có 3 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm gồm nhà Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Đình Mẫn (140 năm), Nhà ông Nguyễn Thống (110 năm). Các nhà ông Nguyễn Đình Huỳnh, Nguyễn Ngọc Anh tuy không vượt được con số 90 năm nhưng là những ngôi nhà được mua từ những ngôi nhà khác đã dựng (khung dàn trò chính vẫn giữ). Nhà của ông Nguyễn Khiêm là một kiến trúc đặc trưng của Tiên Phước (nhà lá mái) trước năm 1940 vì kiến trúc này cũng không quá 80 năm nhưng đã biến thể một loại kỹ thuật lá nhì “Tám nhì”. Nơi ngôi nhà tọa lạc là vùng bán sơn địa, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước có cảnh đẹp như xứ Tiên. Nơi có đồi núi thấp, có con nước là dòng suối nước trong, nhìn rõ các loại cá bơi bên dưới. Những đám ruộng nhỏ được tạo bậc! Từ đất, đá, cây cỏ – nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, người xưa đã dựng nên những nếp nhà làm nơi cư trú lý tưởng. Nổi trội ở Tiên Phước là nhà “Lá mái’’ (người địa phương gọi là nhà Bỏ Đất), với 2 tầng mái: Mái trên bằng lợp tranh, mái dưới là trần chống nóng, chống cháy bằng đất bó rơm đắp trên nền bằng tre đan hoặc ván gỗ (bản vẽ phục dựng)
Một kiến trúc thân thiện với môi trường, hòa hợp với thiên nhiên là kiểu thức mà nhiều khu du lịch sinh thái… đó là nhà Lá mái mà có nơi muốn phục dựng. Những năm 30 của thế kỷ trước Pierre Gourou – Ủy viên Thông tấn Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, đã phát hiện tại làng Liêm Công Tây ở cửa Tùng, Quảng Trị có những ngôi nhà ngư dân với hai tầng mái. Pierre Gourou mô tả loại nhà này: “Là loại nhà rương… mái có hai lớp gồm: Một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó cần thận, khoảng cách giữa hai mái đạt mức tối đa ở trên nóc là 40cm…” (Pierre Gourou, Phác thảo nghiên cứu nhà miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định – Đào Hùng, dịch). Qua những chuyến điền dã, thật bất ngờ khi phỏng vấn cụ Nguyễn Huỳnh Anh (2001) phát hiện ngôi nhà cụ ở cũng có kết cấu như P. Gourou đã mô tả. Người địa phương gọi là nhà “bỏ đất” hay” Mái Xông “Và cụ Anh khẳng định các ngôi nhà xưa bằng gỗ ở Tiên Phước đều có kiểu 2 tầng mái và chắc chắn mái trên lợp tranh. Nhiều nhất là Tiên Cảnh hầu như trước năm 1940 đều là nhà có hai tầng mái gọi là nhà bỏ đất hay trần bích. Ngôi nhà của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ngày trước, năm 1941, cũng có kết cấu tương tự. Hiện, có ngôi nhà may mắn còn giữ lại phần mái đất (tầng dưới như cái trần) là nhà của cụ Trần Khiêm, thôn Lộc Yên, Tiên Cảnh. Ở huyện đảo Lý Sơn, kiểu nhà này xuất hiện đậm đặc hơn với những ngôi nhà của ngư dân hai xã An Vĩnh, An Hải. Đây là những ngôi nhà chỉ có phá bỏ phần mái tranh che mưa nắng ở bên trên, thay bằng tôn hoặc ngói mới (3), nhưng đa số vẫn còn giữ lại mái dưới đắp đất được gọi là nhà” Đắp”. Kiến trúc mang ý nghĩa quan trọng là phòng chống giặc Tàu Ô vào đốt cháy (xem bản vẽ). Với Tiên Phước với; đá núi,được xếp tạo lối đi, bờ kè bao che giống người vùng đảo dùng san hô làm thân nhà,bờ rào chắn gió biển như ở Lý Sơn. Một kiến trúc với công năng nhằm chống cháy, chống nóng, phù hợp với khí hậu: Đông ấm, hạ mát trong vùng núi và hải đảo của nắng gió miền Trung. Thật tình cờ khi phát hiện ở trên bản đồ huyện Tiên Phước – Quảng Nam và đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi cùng vĩ độ Bắc: 15°,27’… chỉ khác kinh độ Đông là núi – 108°, Hải Đảo – 109°, nghĩa là trên một trục thẳng từ Tây sang Đông. Những ngôi nhà ở hai vùng này rõ nét tính đặc thù là của một “kiến trúc sinh thái” vì ngôi nhà ở khi bị hỏng không thải ra chất độc hại như: Sắt, kính, nhựa… khó tiêu hủy của vật liệu hiện đại. Một ngôi nhà được tri thức của người bản địa lưu truyền cho những vùng đất khó khăn trong việc giao thông như hải đảo, trung du, miền núi. Đây là kiến trúc xanh, tiết kiệm nhiều đến nguồn năng lượng điện (quạt máy, máy điều hòa không khí) và quan trọng nhất chính là kiến trúc bền vững – không phải là sự bền vững của vật liệu mà là giảm tác động tiêu cực tới sức khỏe của con nguời.
Trái đất càng ngày càng nóng lên… Các chất có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người thải ra ngày càng nhiều… Không gian sống lại càng chật chội, thiếu những khoảng trời trong xanh gió mát…
Trong môi trường như thế, khiến cho chúng ta bức bối muốn đi tìm những cánh rừng, dòng sông, con suối, bãi biển đẹp… Và, nếu tìm một chỗ trú chân, nghỉ ngơi, ta khao khát được thả hồn với những ngôi nhà xưa đầy thân thiện với môi trường.
Ken Yeang, một KTS người Malaysia nổi tiếng trong lĩnh vực kiến trúc sinh thái, khi nghiên cứu về đặc điểm khí hậu nhiệt đối ẩm và khảo sát thực tế các công trình kiến trúc Malaysia và vùng Đông Nam Á đã đưa ra khái niệm về: “Lớp vỏ công trình” coi đó là “bộ lọc môi trường” để lọc khí hậu bên ngoài vào bên trong nhà. Lớp vỏ công trình gồm: Mái nhà và thân nhà. Nhưng ước mơ của người làm kiến trúc là mong bảo tồn ngôi nhà lá mái/bỏ đất, phục dựng lại ngôi nhà ông Trần Khiêm, nay người con là họa sĩ Trần Công Thiệm đang sở hữu.
Nguyễn Thượng Hỷ
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)
Chú thích:
(*) Làng cổ được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2019.
(1) Làng mộc Văn Hà, trước thế kỷ XIX thuộc tổng Chiên Đàn, thời nhà Nguyễn thuộc tổng Vinh Qúi, huyện Hà Đông, Thăng Bình Phủ, gồm 2 làng Văn Hà và Văn An; trước năm 1975 thuộc thôn 4, xã Kỳ Bình quận Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín; nay thuộc đội 1, thôn 5, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam, nằm cách trung tâm TP Tam Kỳ 8km về hướng Tây Bắc.
(2) Gọi là nhà Rương (rương có nghĩa là hòm gỗ), theo mô tả của ông Pierre Gourrou: Phần liên kết hai cột cái theo hàng ngang bằng quá giang (lõng trếng) và hàng dọc bằng một xà gọi là xuyên. Trên quá giang và xuyên là cái sàn gọi là đố bản được khép kín về phía cửa vào bằng tấm ván, trên đó người ta để các loại đồ dùng nên có tên gọi là nhà Rương; và ở Quảng Nam được gọi là Rầm Thượng và các tấm ván bọc quanh sàn để đồ này gọi là khuôn củi. Quan sát kỹ thuật kết cấu nhà Rương này đều giống kỹ thuật Rường của nhà ở miền Trung nói chung. Ta có câu “Thanh niên là Rường, cột nước nhà”, từ ý nghĩa đó, các Rường được sử dụng để Ràng các cột lại. Ràng các cột hàng ngang gọi là Trính/Trến. Ràng các cột hàng dọc gọi là Xuyên (thượng hạ). Nói chung Rương hay Rường cũng là một loại nhà giống nhau của miền Trung và cột được kê trên đế đá. Nhà rôi/rọi là nhà cột chôn xuống đất (phổ biến ở kiến túc bằng tre).
(3) Tuyến đường Tam Kỳ – Tiên Phước – Trà My được mở bởi người Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20 giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn; do đó nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh và nhiều nhà ở vùng này trước đây cũng là nhà Lá mái được thay bằng mái lợp ngói sau những năm 40, thế kỷ 20.
(4) Là nhà địa lý, nên Pierre Gorou có cách nghiên cứu nhà theo chuyên môn rằng: “Nhà Việt Nam cũng như nhà các tộc khác ở Đông Dương và nhà ở Nam Đảo, đều chứa đựng một tín ngưỡng phức tạp. Việc dựng nhà kèm theo những nghi thức đa dạng và phức tạp, và có thể nói đó là một hành động tôn giáo hơn là một công việc vật chất… Nhưng chúng tôi đã bỏ qua quan điểm đó để chỉ đặt mình dưới cái nhìn của nhà địa lý: Nhà là một yếu tố chủ yếu của cảnh quan địa lý ở miền Trung…”. Ông cũng nhắc nhở chúng ta “Nhà Việt Nam là một chủ đề nghiên cứu tốt, và chớ có tin theo những cảm giác của một du khách vội vã, đứng trước những mái tranh nhấp nhô, đã coi đấy là những lều dị dạng, dựng lên vội vã bằng những vật liệu tùy tiện. Trái lại nhà Việt Nam là một kiến trúc cẩn thận, được dựng lên theo những nguyên tắc cụ thể và khéo léo biểu hiện một kinh nghiệm lâu dài và những mối quan tâm thẩm mỹ.” (dịch của Đào Hùng)
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Bạt Tụy, “Những nhà xưa ở Quảng Nam”, Văn hóa Nguyệt san Sài Gòn, 1961 số 59-60.
2. Nguyễn Hồng Kiên, ‘Bộ vì nóc của kết cấu nhà khung gỗ cổ truyền Việt Nam”, Tạp chí VH-NT số 97.
3. Nguyễn Hữu Minh, “Để không là người ở trọ”, Sở VHTT Thừa Thiên Huế, 2001.
4. Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Di Tích Quảng Nam, “Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam”. Kỷ yếu (nhiều tác giả) 2008.
5. Nguyễn Thúy Vi (cb.), “Thuật ngữ kiến trúc truyền thống Nhà Rường Huế”, NXB Thuận Hóa, 2010.
8. Pierre Gourou, “Phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam ở Bắc và Trung Kỳ- từ Thanh Hóa đến Bình Định”, NXB Nghệ Thuật và Lịch Sử, Paris 1936, (Bản dịch Đào Hùng, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Thừa Thiên – Huế số 4, 2001.
9.Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế, Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản. “Kiến trúc cổ Hội An- Việt Nam” (bản tiếng Việt), NXB Thế giới, 2003.
10.Nguyễn Thượng Hỷ, “Nhà Lá mái ở đảo Lý Sơn”, Tạp chí Kiến trúc số 02-2022.
11.Nguyễn Thượng Hỷ, “Làm Nhà Chống Giặc Tàu Ô”, Tuổi trẻ cuối tuần 08/07/2014
12/ PGS.TS Hoàng Huy Thắng, “Kiến trúc sinh thái Việt Nam”, Tạp chí Kiến trúc số 136, 08 – 2006.
13/ Đọc: What is an “Ecological House”? của Philip S. Wenz (tài liệu từ Internet)