Suốt dải đất miền Trung từ Quảng Bình cho tới Bình Thuận, xưa kia đã có một nền văn minh – văn hóa rực rỡ của Vương quốc Chăm – Pa (còn gọi là Chăm, Chàm…). Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, những miền đất ấy đã hòa chung vào Đại Việt, và nền văn hóa Chăm cùng những di sản kiến trúc – điêu khắc đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam ngày nay. Qua thời gian và chiến tranh, nhiều di sản kiến trúc đã biến mất hoặc trở thành phế tích. Nhưng bên cạnh những tháp Chăm rêu phong trầm mặc còn lại vẫn thi gan cùng năm tháng trên con đường thiên lý Bắc Nam; thì có một nơi hiện lưu giữ những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Chăm, phản ánh một nền văn hóa – nghệ thuật rực rỡ huy hoàng trong lịch sử. Đó là Cổ viện Chàm, nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng.
Lịch sử Cổ viện Chàm
Cổ viện Chàm, nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Địa chỉ: Số 02, đường 2-9, thành phố Đà Nẵng), nằm ngay bên bờ sông Hàn, tới nay đã hơn một trăm năm tuổi. Công trình được xây dựng từ năm 1915, hoàn thành vào đầu năm 1919. Nhưng hơn 20 năm trước đó, người ta đã di chuyển và tập trung về đây nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm được trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Theo chân những đoàn quân viễn chinh Pháp vào Đông Dương, còn có nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học, trong đó có những nhà khảo cổ. Họ đã tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa bản địa độc lập, trên tinh thần khoa học, không bị lệ thuộc hay ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị và quân sự. Những nhà khảo cổ người Pháp – đặc biệt là những người làm việc cho Viện Viễn đông Bác cổ cùng những đồng sự người Việt Nam đã phát hiện và ghi nhận những giá trị nghệ thuật điêu khắc Chăm, đang dần bị hủy hoại và mai một vào thời gian đó. Việc sưu tầm, thu thập các hiện vật điêu khắc Chăm đã được triển khai thực hiện nhằm lưu giữ, bảo tồn và nghiên cứu. Một số hiện vật được chuyển sang Pháp, một số chuyển về các bảo tàng ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng phần lớn các tác phẩm tiêu biểu được lưu giữ tại Đà Nẵng, vốn là trung tâm của dải đất miền Trung.
Từ năm 1902, ý tưởng xây dựng một nhà bảo tàng để lưu trữ và trưng bày các tác phẩm điêu khắc Chăm đã được nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier đề xuất với một đề án của Viện Viễn đông Bác cổ. Tòa nhà đầu tiên được xây dựng theo thiết kế của các KTS Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm cho công trình. 17 năm sau, năm 1919, công trình được khánh thành và đón khách tham quan với tên gọi Cổ viện Chàm. Công trình có quy mô 1 tầng, đối xứng, mái bằng mang phong cách cổ điển châu Âu với những khoảng trống giữa hai trụ trên mặt đứng. Kiến trúc công trình toát lên một dáng vẻ uy nghiêm mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát, hòa quyện cùng thiên nhiên. Chi tiết đặc sắc là những đầu trụ mái được cách điệu theo hình thức tháp Chăm. Sự kết hợp này khá nhuần nhuyễn và khéo léo để tạo nên nét kiến trúc rất riêng của tòa cổ viện.
Mặc dù trải qua hai lần cải tạo mở rộng và nhiều lần tu sửa, song hình ảnh công trình và phong cách kiến trúc vẫn được giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Lần mở rộng thứ nhất được tiến hành vào giữa thập niên 1930, hoàn thành vào năm 1936. Trong lần cải tạo này, hai khối nhà được xây dựng hai bên, về phía trước công trình cũ để tạo nên hai phòng trưng bày mới, dành cho những hiện vật thu thập được trong giai đoạn 1920 – 1930. Chính nhà khảo cổ Henri Parmentier đã đưa ra ý tưởng trưng bày các tác phẩm theo nguồn gốc – địa điểm phát hiện và khai quật; cấu trúc đó cùng tuyến tham quan bảo tàng về cơ bản vẫn giữ nguyên cho tới hiện tại.
Lần mở rộng thứ 2 là năm 2002. Một khối nhà mới hai tầng được xây dựng phía sau nhà cũ, với diện tích khoảng 2000m2 trưng bày và 500m2 dành cho kho, xưởng phục chế và các phòng làm việc – nghiên cứu.
Các không gian trưng bày
Theo ý tưởng trưng bày của nhà khảo cổ Henri Parmentier từ khi thành lập bảo tàng, các không gian trưng bày được phân chia và đặt tên theo nguồn gốc – địa điểm phát hiện, khai quật hiện vật.. Hiện nay Bảo tàng điêu khắc Chăm có các không gian trưng bày sau:
Phòng Quảng Trị
Phòng Quảng Trị hiện trưng bày 14 tác phẩm, hầu hết có niên đại thế kỉ VII-VIII, được khai quật từ các địa danh ở tỉnh Quảng Trị như Nam Giáp, Hà Trung, Thạch An, Đa Nghi và đưa về Bảo Tàng từ những năm 1918 và 1935.
Hành lang Quảng Nam
Hiện trưng bày 32 hiện vật, niên đại thế kỉ 7 – 8 và 9 – 10, được khai quật từ nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam.
Hành lang Quảng Ngãi
Hiện trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỉ 10 đến giữa thế kỉ 11, hầu hết được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số địa danh khác ở tỉnh Quảng Ngãi. Chánh Lộ cũng là tên gọi mà nhà khảo cổ Jean Boisselier đã chọn để đặt tên cho phong cách nghệ thuật chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Tháp Mẫm.
Phòng Trà Kiệu:
Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 50 km về hướng Tây Nam. Trà Kiệu được xác định là kinh đô của vương quốc Champa ở thời sơ kỳ. Theo sử liệu ghi lại, đây là kinh đô đầu tiên và cổ nhất của Champa, được xây dựng vào cuối thế kỉ 4 dưới triều vua Bhadresvara với tên gọi Sinhapura, nghĩa là Thành phố Sư Tử.
Năm 1927-1928, nhà khảo cổ Jean Yves Claeys đã tiến hành khai quật khu di tích này. Hiện tại có 43 tác phẩm, phần lớn có niên đại thế kỉ 7 – 8 và 11 – 12 đang được trưng bày tại phòng Trà Kiệu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Phòng Mỹ Sơn:
Là một không gian trưng bày quan trọng và phong phú. Mỹ Sơn từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa, thuộc địa phận huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay, cách di tích Trà Kiệu (Simhapura – kinh đô của Chămpa cho đến năm 1000) khoảng 30 km về phía tây. Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi nhỏ, nơi đây có hơn 70 ngôi tháp, phần lớn được xây dựng để thờ thần Siva. Khu Thánh địa Mỹ Sơn dẫu bị hủy hoại nhiều thì vẫn là một trong những quần thể toàn vẹn nhất, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Tại phòng Mỹ Sơn hiện đang trưng bày 18 hiện vật, gồm 3 nhóm hiện vật: Nhóm hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung. Ngoài ra tại đây cũng đang trưng bày một tấm bia chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ.
Phòng Đồng Dương: Là một di tích Chăm tại làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 60 km về phía Tây Nam.
Theo khảo sát vào năm 1902 của Henri Parmentier, di tích này gồm tòa nhà tu viện và các đền tháp được xây dựng nối tiếp nhau theo chiều Đông – Tây, kéo dài trên một trục hơn 1300 mét. Khu đền thờ chính có tường thành bao bọc, chiều dài 326 mét chiều rộng 155 mét.
Phòng Đồng Dương trưng bày nhiều hiện vật là điêu khắc những vị thần, thể hiện một phong cách nghệ thuật mới và sự thay đổi tín ngưỡng của một triều đại mới (theo văn bia). Theo đó, việc tôn thờ thần Siva là thần bảo hộ chính (như ở di tích Mỹ Sơn) đã được chuyển sang các vị Phật và Bồ tát. Đặc biệt là trong phòng Đồng Dương có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng, là tượng Bồ tát Tara. Đây là tượng đồng lớn nhất và là một trong số rất ít tượng đồng của nghệ thuật điêu khắc Chăm
- Phòng Tháp Mẫm – Bình Định: Bình Định cách Đà Nẵng 300km về hướng Nam, nơi đây ngày nay còn khá nhiều di tích Chăm, tiêu biểu là hệ thống đền tháp đồ sộ được xây dựng liên tục trong thời gian từ thế kỉ 11 đến 15 khi trung tâm chính trị của Chăm pa đặt tại đây. Trong đợt khai quật năm 1934 và 1935 tại gò đồi Tháp Mẫm – Bình Định, nhà khảo cổ Jean Yves Claeys đã phát hiện được rất nhiều hiện vật đẹp như rồng, voi – sư tử, chim thần Garuda, tượng và phù điêu các nam thần, nữ thần, vũ nữ… tiêu biểu cho phong cách Tháp Mẫm. Hiện tại phòng Tháp Mẫm – Bình Định trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ 12 – 15.
- Khu trưng bày mở rộng: Đặt ở tầng 1 khối nhà mới xây phía sau. Phòng trưng bày này được chính thức khai trương từ ngày 28/4/2004, trưng bày gần 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, chủ yếu được sưu tầm sau năm 1975 và được chia thành các bộ sưu tập: Quảng Trị, Trà Kiệu, Quảng Nam, An Mỹ, Chiên Đàn, Bình Định – Tháp Mẫm, Quá Giáng – Khuê Trung và Phú Hưng. Tầng 2 khối nhà này là nơi trưng bày văn hóa Chăm đương đại, bao gồm những sưu tập về trang phục, nhạc cụ, và những hình ảnh dân tộc Chăm.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Niên đại: Thế kỷ 7 – 8; chất liệu: Sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam). Đây là đài thờ của ngôi đền Mỹ Sơn E1. Đài thờ gồm nhiều phiến đá ghép lại thành một bệ thờ hình vuông. Những phần được thu thập về trưng bày tại Bảo tàng hiện nay gồm 14 phiến đá được chạm khắc tinh tế, miêu tả sinh hoạt của các nhà tu khổ hạnh, nhạc công, vũ nữ và những người ngưỡng mộ Mi cửa tháp Mỹ Sơn E1 hay Phù điêu Đản sinh Brahma (Niên đại: thế kỷ 7; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam). Đây là một tác phẩm điêu khắc trên một chi tiết kiến trúc tháp – là mi cửa (còn gọi là trán cửa, vòm cửa), nội dung thể hiện một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ: Đó là cảnh thần Vishnu sinh ra thần Brahma từ cuống rốn của mình Thần Ganesa (Niên đại: thế kỷ 7; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam) Ganesa là vị thần may mắn. Theo tín ngưỡng, người ta thường cầu cúng thần trước khi tiến hành các công việc quan trọng để mong kết quả tốt lành Thần Ganesa (Niên đại: thế kỷ 7; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam) Ganesa là vị thần may mắn. Theo tín ngưỡng, người ta thường cầu cúng thần trước khi tiến hành các công việc quan trọng để mong kết quả tốt lành
Các bộ sưu tập
Ngoài cách phân chia hiện vật theo nguồn gốc (không gian trưng bày) thì có nhiều cách khác để phân loại, sắp xếp các hiện vật – các tác phẩm điêu khắc Chăm; như:
Chất liệu, niên đại, loại hình tác phẩm điêu khắc (phù điêu, tượng tròn, chi tiết kiến trúc), nội dung tác phẩm…
Các tác phẩm ở Bảo tàng điêu khắc Chăm còn được phân thành các bộ sưu tập sau đây:
– Theo chất liệu:
+ Đá (đá sa thạch);
+ Đất nung;
+ Đồng;
+ Chất liệu khác.
– Theo nội dung:
+ Đài thờ;
+ Tượng thần;
+ Vật linh;
+ Chi tiết kiến trúc.
Nơi lưu giữ hồn Chăm
Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hay nhiều người vẫn quen gọi là Cổ viện Chàm, thực sự là một trung tâm văn hóa, là nơi lưu giữ hồn Chăm. Bản thân tòa kiến trúc đã chứa đựng những giá trị riêng của nó. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam (đầu thế kỷ 20). Công trình có giá trị kiến trúc đặc sắc, đã làm cho nó thoát hẳn khỏi vai trò là nơi trưng bày – một cái hộp chứa đựng. Kiến trúc công trình và những cổ vật – những tác phẩm điêu khắc đã hòa quyện vào nhau. Ở đó người ta có thể cảm nhận thấy hồn Chăm…
Những tác phẩm điêu khắc phần lớn được tạo nên từ chất liệu sa thạch, phản ánh đậm nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm xưa, cũng phản ánh những quan niệm và tư duy tạo hình trong điêu khắc, kiến trúc. Phần lớn các tác phẩm (phù điêu, tượng tròn, chi tiết kiến trúc) tạc hình – miêu tả những vị thần gắn liền với những câu chuyện thần thoại trong Ấn Độ giáo, như thần Siva – đấng hủy diệt, thần Vishnu – đấng hòa bình, thần Brahma – đấng sáng tạo – vị thần tối cao… Bên cạnh đó, cũng có những tượng nữ thần là vợ của các vị thần trên như thần Uma, Lakshmi, Sarasvati… được tạc với những nét mềm mại uyển chuyển, vô cùng sinh động. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm điêu khắc Chăm. Ta có thể thấy rất rõ những chi tiết điêu khắc – kiến trúc được cách điệu hay tả thực hình ảnh bầu ngực của người phụ nữ trên nhiều tác phẩm. Bộ đôi sinh thực khí Linga và Yoni là những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, mang nhiều phong cách khác nhau, có tác phẩm cong mềm mại, có tác phẩm lại cách điệu đơn giản, khỏe khoắn.
Ở những đài thờ, những bệ thờ, hay chi tiết kiến trúc, nội dung trang trí thường là những câu chuyện hay những điển tích trong thần thoại Ấn Độ, được khai triển tạo hình theo phương ngang theo lối kể chuyện, hoặc tạo nên một bố cục có không gian.
Ta có thể thấy những chi tiết rất tinh xảo ở Đài thờ Mỹ Sơn, Đài thờ Trà Kiệu hay một tác phẩm mi cửa của tháp Mỹ Sơn.
Những bức phù điêu có nội dung phong phú và đa dạng hơn, ngoài những nội dung gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, thì nhiều nội dung gần gũi đời sống xuất hiện như cảnh sinh hoạt đời thường, hình ảnh chiến binh, hình ảnh hoa lá chim muông, vũ nữ múa…
Nhiều chi tiết kiến trúc, như trụ cửa, vòm trán cửa, đầu đao, đỉnh tháp… được thực hiện với độ tinh xảo rất cao; có thể coi những bộ phận kiến trúc này như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc lập.
Hiện bảo tàng lưu giữ 9 hiện vật – tác phẩm đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là: Đài thờ Mỹ Sơn, Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương, Tượng Thần Ganesa, Tượng linh thú Gajasimha, Tượng Bồ tát Tara, Phù điêu Apsara; Tượng thần Siva, Phù điêu Đản sinh Brahma.
Có thể nói, những tác phẩm điêu khắc Chăm nơi đây là những kiệt tác, bởi chúng có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình, phong phú về nội dung, độc đáo về chất liệu. Mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng, nhưng tất cả lại có mối quan hệ và sự kết nối để tạo nên một giá trị to lớn, tạo nên hồn Chăm Pa nơi cổ viện. Và hơn thế nữa, những tác phẩm ấy đã, và đang chứa đựng cả một nền văn hóa – văn minh rực rỡ trong lịch sử của một dân tộc.
Hà Thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2024)