Câu lạc bộ “Ai là KTS”: Cộng đồng tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết kế kiến trúc

Câu lạc bộ “Ai là KTS”: Cộng đồng tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết kế kiến trúc

Trong làn sóng công nghệ 4.0, việc ứng dụng AI vào kiến trúc không còn là viễn cảnh xa vời. Tháng 5/2024, Câu lạc bộ (CLB) “AI là KTS” trực thuộc Hội KTS TP Đà Nẵng chính thức ra mắt tại Đà Nẵng. Với mục tiêu trở thành cầu nối tri thức và thực tiễn, CLB đang từng bước định hình một hệ sinh thái sáng tạo, nơi công nghệ và con người cùng hợp lực kiến tạo tương lai. Dưới đây là cuộc trò chuyện với những thành viên nòng cốt của CLB về hành trình lan tỏa sức mạnh AI trong ngành kiến trúc.

“Kỳ vọng xây dựng một cộng đồng năng động trong việc ứng dụng công nghệ trong thiết kế kiến trúc”

Anh có thể chia sẻ về ý tưởng và động lực nào đã dẫn đến việc thành lập CLB “AI là KTS”?

KTS Hồ Lê Quốc Vũ
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (Giám đốc công ty TNHH MTV Đà Thành Xanh – TP Đà Nẵng)

KTS Hồ Lê Quốc Vũ: Năm 2023, khi được mời làm diễn giả tại các hội thảo về ứng dụng AI trong kiến trúc, tôi nhận thấy sự quan tâm lớn từ cộng đồng nhưng thiếu một diễn đàn chung để trao đổi chuyên sâu. Điều này đã thôi thúc tôi, qua trao đổi với các KTS đồng nghiệp và trình bày ý tưởng thành lập CLB trước Ban Chấp hành Hội KTS TP Đà Nẵng, và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, chúng tôi chính thức khởi động CLB “AI là KTS” với sứ mệnh tạo dựng một diễn đàn mở – nơi KTS và sinh viên cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng AI vào thiết kế. Sự kiện ra mắt vào ngày 04/05/2024 đã thu hút hơn 250 người tham dự, bao gồm KTS và sinh viên từ 5 trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Hiện tại, nhóm trực tuyến của CLB đã có hơn 280 thành viên, thường xuyên chia sẻ kiến thức về ứng dụng AI trong thiết kế.

PV: Trong quá trình tổ chức và vận hành CLB, anh đã gặp phải những thách thức nào và làm thế nào để vượt qua chúng?

KTS Hồ Lê Quốc Vũ: Một trong những thách thức lớn nhất là việc thay đổi nhận thức và thói quen của các KTS về việc ứng dụng AI trong công việc. Nhiều người còn e ngại hoặc chưa thấy rõ lợi ích của AI trong thiết kế. Chúng tôi đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm và chia sẻ kinh nghiệm thực tế để minh chứng cho hiệu quả của AI. Ngoài ra, việc xây dựng một cộng đồng gắn kết cũng đòi hỏi sự nỗ lực trong việc kết nối và duy trì sự tham gia tích cực của các thành viên. Chúng tôi đã tạo ra các kênh giao tiếp trực tuyến và thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức các hoạt động để giữ lửa cho cộng đồng.

PV: Anh có thể cho biết định hướng phát triển của CLB trong tương lai, đặc biệt là về việc ứng dụng AI trong lĩnh vực kiến trúc?

KTS Hồ Lê Quốc Vũ: Để hoạt động của CLB “AI là KTS” trở nên thiết thực và hiệu quả hơn, chúng tôi định hướng phát triển như sau:

  • Xây dựng cộng đồng chia sẻ và giao lưu kiến thức: Tạo ra một nền tảng nơi các KTS và nhà thiết kế có thể trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và cập nhật những xu hướng mới nhất về ứng dụng AI trong kiến trúc;
  • Hợp tác với doanh nghiệp: Thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và công nghệ để thúc đẩy việc ứng dụng AI vào thực tiễn, đồng thời tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận với các dự án thực tế và mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp;
  • Tổ chức các buổi hội thảo và đào tạo: Thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo và khóa đào tạo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các thành viên về việc tích hợp AI trong quy trình thiết kế và xây dựng;
  • Phát triển dự án thực tế: Khuyến khích các thành viên tham gia vào các dự án ứng dụng AI trong kiến trúc, từ đó tạo ra những sản phẩm và giải pháp sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng thiết kế và hiệu quả công việc;

Thông qua những định hướng này, chúng tôi mong muốn CLB trở thành một cộng đồng năng động, nơi các KTS có thể học hỏi, chia sẻ và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của AI trong lĩnh vực kiến trúc.

Những hoạt động chính của CLB “AI là KTS”

PV: Anh có thể chia sẻ về các hoạt động chính mà CLB đã thực hiện trong năm qua kể từ khi thành lập?

KTS Trần Xuân Tuấn
Phó chủ nhiệm CLB – Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP Đà Nẵng

KTS Trần Xuân Tuấn: Kể từ khi chính thức thành lập vào tháng 5/2024, CLB cũng đã có nhiều hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Đầu tiên là các hoạt động sinh hoạt chuyên môn phổ biến về kỹ năng và kỹ thuật sử dụng AI trong thiết kế kiến trúc nội thất được diễn ra thường xuyên theo cả online và offline với nhiều hình thức khác nhau, kịp thời cập nhật các phiên bản update mới nhất đến thành viên CLB.

Bên cạnh đó, thành viên CLB cũng rất năng nổ trong việc tham gia viết các bài báo về AI cho các tạp chí chuyên ngành, cũng như tham gia báo cáo, phản biện các đề tài liên quan đến AI trong các hội nghị khoa học. Về hoạt động cộng đồng, các thành viên cũng rất tích cực trong việc sử dụng AI để đóng góp các phương án thiết kế cho cộng đồng trong các hoạt động, và các phong trào do Hội KTS phát động.

Cuối năm 2024, CLB đã kết hợp cùng Công ty Mono Bogo Việt Nam trong việc tổ chức Cuộc thi Sáng tạo cùng AI cho các thành viên CLB, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, công tác chấm giải và công bố trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 2/2025.

PV: Những hoạt động nào của CLB đã tạo được dấu ấn đáng kể trong cộng đồng kiến trúc và công nghệ?

KTS Trần Xuân Tuấn: Có 2 nhóm hoạt động của CLB được đánh giá cao và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng. Thứ nhất là các hoạt động về phổ biến và cập nhật kiến thức về AI đến cộng đồng với sự hoạt động bền bỉ và năng nổ của các thành viên, nhờ đó CLB gần như luôn theo sát được các sự tiến bộ vượt bậc của AI trong thời gian qua. Thứ hai là cuộc thi sáng tạo AI với Mono Bogo Việt Nam, gần như đây là cuộc thi chính thức liên quan đến sáng tạo Kiến trúc-Nội thất bằng các công cụ AI đầu tiên của cả nước tính đến thời điểm này.

PV: Anh đánh giá như thế nào về sự tham gia và phản hồi của các thành viên cũng như cộng đồng đối với các hoạt động của CLB?

KTS Trần Xuân Tuấn: CLB ra đời xuất phát từ mong muốn của đông đảo các KTS trên toàn thành phố, nên nhìn chung tâm lý của các thành viên đều rất hào hứng và nhiệt tình với các hoạt động của CLB. Các hoạt động đều được sự tư vấn kĩ càng của các thành viên có kinh nghiệm, cũng như sự đóng góp năng nổ của các thành viên khác và sự đồng hành nhiệt tình của các mạnh thường quân. Đó là cái duyên, và cũng là động lực to lớn giúp cho CLB lớn mạnh trong thời gian tới.

“AI đang mở ra những khả năng vượt trội cho ngành kiến trúc, nội thất”

PV: Anh có thể chia sẻ về quá trình khám phá và ứng dụng các công cụ AI vào lĩnh vực diễn họa 3D trong kiến trúc và nội thất như thế nào?

KTS Trần Minh Nhật
Thành viên CLB (Founder Công ty TNHH NBOX, chuyên cung cấp dịch vụ diễn họa 3D cho các dự án bất động sản trong và ngoài nước):

KTS Trần Minh Nhật: Tôi bắt đầu tìm hiểu về AI từ giữa năm 2022, với công cụ đầu tiên là MidJourney. Sau đó, tôi mở rộng sang Stable Diffusion và nhiều ứng dụng AI khác như tạo ảnh, video, âm thanh, sắp xếp công việc… Ban đầu, mục tiêu của tôi chỉ là cải thiện chất lượng sản phẩm, nhưng dần nhận thấy tiềm năng to lớn của AI, tôi đã đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này sâu hơn vào công việc.

Dưới góc nhìn của tôi, ứng dụng AI không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố bắt buộc, cả ở cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp. Việc áp dụng sớm sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa thời gian và rút ngắn quy trình làm việc. Bên cạnh công việc phát triển công ty, tôi dành nhiều thời gian để đào tạo và chia sẻ về ứng dụng AI trong lĩnh vực Kiến trúc – Nội thất. Nhận thấy sự bùng nổ của AI cùng những cơ hội mà công nghệ này mang lại, tôi mong muốn giúp các KTS, nhà thiết kế nội thất, và các chuyên gia trong ngành tiếp cận và khai thác tối đa tiềm năng của AI trong công việc.

PV: Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo ứng dụng AI trong kiến trúc và nội thất như thế nào?

KTS Trần Minh Nhật: Chương trình đào tạo của tôi tập trung vào các công cụ AI tiên tiến nhất như MidJourney, Stable Diffusion, Runway, ChatGPT và nhiều nền tảng khác, giúp học viên ứng dụng AI vào từng khía cạnh trong quy trình làm việc: Từ việc tạo ý tưởng, diễn họa concept, tối ưu hóa quá trình thiết kế đến tự động hóa quy trình quản lý dự án, AI đang mở ra những khả năng vượt trội cho ngành Kiến trúc – Nội thất.

Tôi tin rằng AI không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng sáng tạo, giúp các KTS và nhà thiết kế tập trung hơn vào việc phát triển ý tưởng thay vì dành quá nhiều thời gian vào các tác vụ lặp đi lặp lại. Đó là lý do tôi xây dựng chương trình các khóa học từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp cho cả những người mới tiếp cận AI lẫn những ai muốn nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực này.

PV: Anh dự đoán xu hướng phát triển của AI trong kiến trúc và nội thất ra sao, và anh có kế hoạch gì để cập nhật chương trình đào tạo của mình?

KTS Trần Minh Nhật: Tôi tin tưởng rằng trong tương lai gần, các hãng phần mềm đồ họa hàng đầu sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm của họ. Chính vì vậy, nếu bạn là KTS hoặc nhà thiết kế nội thất, việc cập nhật kiến thức về AI ngay từ bây giờ là điều vô cùng cần thiết để không bị tụt hậu trước sự phát triển của công nghệ.

Hiện tại, tôi vẫn không ngừng nghiên cứu và tối ưu hóa quy trình ngắn gọn, đơn giản nhất để ứng dụng AI vào công việc, giúp học viên ở mọi độ tuổi có thể tiếp cận công nghệ này một cách nhanh chóng và hiệu quả. Mục tiêu trong năm nay của tôi là mở rộng chương trình đào tạo AI dành cho doanh nghiệp, đặc biệt hướng đến các công ty và tổ chức tại Việt Nam thông qua nền tảng trực tuyến, giúp họ ứng dụng AI vào quy trình làm việc một cách chuyên nghiệp và thực tiễn nhất…

“AI góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong diễn họa kiến trúc…”

PV: Anh đã áp dụng AI vào công việc thiết kế và diễn họa kiến trúc như thế nào?

KTS Hồ Viết Sang
Thành viên CLB – (Sáng lập và điều hành SAS Group ((https://sasrender.com/) và Fractal Vietnam ((https://fractal-arch.com/), hai doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực diễn họa kiến trúc và thiết kế)

KTS Hồ Viết Sang: AI đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách chúng tôi làm việc, từ dựng hình, kết xuất, đến hậu kỳ và quản lý quy trình thiết kế.

Trước đây, một số mô hình phức tạp có thể mất hàng giờ, thậm chí cả ngày để dựng hình và render. Nhưng hiện tại, nhờ các công cụ AI như AI Denoiser trong Corona Renderer, NVIDIA OptiX, thời gian này được rút ngắn đáng kể – chỉ còn khoảng 5-10 phút mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh.

AI cũng giúp tự động hóa nhiều công đoạn thiết kế. Tôi có thể nhanh chóng tạo concept ban đầu bằng AI, sau đó chỉnh sửa theo ý tưởng của khách hàng. Ngoài ra, với các công cụ như Krea AI, Leonardo, AI hỗ trợ nâng cấp độ phân giải mà không làm giảm chất lượng hình ảnh. Đặc biệt, AI còn có thể giúp giúp tạo vật liệu PBR thông minh, giúp vật liệu trông chân thực hơn mà không cần quá nhiều thao tác thủ công.

Trong hậu kỳ, AI cũng đóng vai trò quan trọng. Các công cụ như Photoshop AI Generative Fill, Topaz Gigapixel AI giúp tinh chỉnh màu sắc, ánh sáng và bổ sung chi tiết phức tạp, giúp hình ảnh đạt chất lượng tối ưu mà không mất nhiều thời gian xử lý thủ công.

Một điểm đáng chú ý nữa, AI giúp tôi hiểu rõ hơn về gu thẩm mỹ của khách hàng thông qua phân tích dữ liệu, từ đó đề xuất các phương án thiết kế phù hợp. Nhờ vậy, quá trình làm việc trở nên suôn sẻ hơn, rút ngắn thời gian sửa đổi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Nhìn chung, AI không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ngành diễn họa kiến trúc.

PV: Việc sử dụng AI đã mang lại những lợi ích cụ thể nào trong quy trình làm việc của anh? Anh có thể chia sẻ một ví dụ về một dự án cụ thể mà AI đã đóng góp quan trọng?

KTS Hồ Viết Sang: Ứng dụng AI mang lại nhiều lợi ích rõ ràng, đặc biệt trong tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao chất lượng hình ảnh. Trước đây, render luôn là khâu tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng với AI Denoiser, tôi có thể rút ngắn thời gian kết xuất từ 1 giờ xuống còn 10 phút, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh sắc nét. Điều này đặc biệt quan trọng với những dự án yêu cầu tiến độ gấp. Trong thiết kế, AI giúp tôi tạo nhanh các concept và vật liệu, cho phép tôi tập trung vào sáng tạo thay vì phải chỉnh sửa thủ công từng chi tiết nhỏ. Các công cụ như Krea AI, Leonardo.Ai, Topaz Gigapixel AI cũng hỗ trợ nâng cấp hình ảnh lên độ phân giải cao hơn mà không bị vỡ nét.

Một ví dụ điển hình là dự án thiết kế nội thất cho một Golf Club cao cấp tại Mỹ. AI đã giúp tối ưu quy trình như sau:

Giai đoạn dựng hình: Tôi sử dụng Tripo3D để tạo và tinh chỉnh vật liệu, giúp tiết kiệm khoảng 30% thời gian so với phương pháp thủ công;

Quá trình render: AI Denoiser giúp giảm đáng kể thời gian kết xuất mà vẫn giữ được chất lượng hình ảnh cao;

Hậu kỳ: Tôi kết hợp Topaz Gigapixel-AI, Krea-AI, Leonardo-AI, Magnific-AI… để nâng cấp hình ảnh, đảm bảo độ nét và màu sắc tối ưu trước khi gửi khách hàng.

Kết quả là dự án hoàn thành trước deadline 3 ngày, khách hàng rất hài lòng với chất lượng và tốc độ xử lý. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc AI không chỉ hỗ trợ tăng hiệu suất làm việc mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh lớn trong lĩnh vực diễn họa kiến trúc.

Phối cảnh nội thất Golf Club cao cấp tại Mỹ được diễn họa với sự hỗ trợ của AI
Hình ảnh được hỗ trợ của AI

Thay lời kết

Với sứ mệnh kết nối tri thức và thực tiễn, CLB “AI là KTS” đã và đang tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ AI vào quy trình thiết kế kiến trúc. Từ những buổi hội thảo chuyên sâu đến các dự án thực tiễn, CLB không chỉ mở ra một diễn đàn giao lưu kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho các KTS và sinh viên trong việc khai thác tiềm năng vượt trội của AI.

Những chia sẻ từ các thành viên nòng cốt như KTS Hồ Lê Quốc Vũ, KTS Trần Xuân Tuấn, KTS Trần Minh Nhật và KTS Hồ Viết Sang đã cho thấy rằng: Khi công nghệ và con người hợp lực, thời gian, chi phí và công sức có thể được tối ưu hóa một cách đáng kể, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Hướng tới tương lai, CLB đặt mục tiêu mở rộng các chương trình đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp và đẩy mạnh các dự án sáng tạo ứng dụng AI, góp phần định hình một hệ sinh thái kiến trúc hiện đại, sáng tạo và linh hoạt. Qua đó, CLB “AI là KTS” không chỉ là nơi trao đổi kiến thức mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành kiến trúc Việt Nam trong thời đại số.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *