Học tập và phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD): Chìa khoá chinh phục sự hỗn loạn của nghề kiến trúc hiện đại

Học tập và phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD): Chìa khoá chinh phục sự hỗn loạn của nghề kiến trúc hiện đại

Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, học tập và phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) không chỉ là một lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để KTS có thể thích ứng và thành công. Tương tự như ngành Y, nơi các bác sĩ phải cập nhật kiến thức liên tục để đối phó với những thách thức sức khỏe ngày càng phức tạp; KTS cũng cần liên tục trau dồi để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của ngành. Thế kỷ 21 chứng kiến sự hỗn loạn lan rộng, từ doanh nghiệp đến cá nhân, với sự suy giảm niềm tin vào các tập đoàn và sự trỗi dậy của làn sóng khởi nghiệp đầy rủi ro. Vào thế kỉ trước, người ta dồn toàn bộ sự nghiệp cho một công ty, một tập đoàn tư hoặc công và cho rằng đó là cách khôn nhất và an toàn nhất. Theo thời gian, điều này đã trở thành một sai lầm nghiêm trọng, bạn phải làm việc cho các tập đoàn từ 8-12h một ngày, thậm chí phải phấn đấu tới 16h một ngày. Điều đó thật khủng khiếp! Bối cảnh này vốn đã diễn ra ở các nước phát triển từ giữa thế kỷ 20 và đang dần rõ nét tại Việt Nam. Đặc biệt, sau gần 40 năm mở cửa hội nhập, hai thập kỉ gần đây, chúng ta chứng kiến có nhiều tập đoàn ở Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng cũng không ít những tập đoàn tư nhân cho đến các doanh nghiệp Nhà nước đặt dấu chấm hết. Việt Nam giờ đây đang hòa cùng không khí của thế giới, chúng ta chậm hơn, và cũng bắt đầu học tập, rút kinh nghiệm từ những “hàng xóm” gần cho đến các quốc gia phát triển. Luật Kiến trúc 2019 được Quốc Hội thông qua, chương trình CPD bước đầu được triển khai, đóng vai trò như một bước đệm quan trọng, giúp KTS Việt Nam chuẩn bị cho thập kỷ đầy thách thức phía trước.

KTS trưởng văn phòng thiết kế ngày nay phải đối mặt với vô vàn câu hỏi: Tổ chức công ty thế nào? Sản phẩm thiết kế, dịch vụ cung cấp và thù lao ra sao? Chiến lược truyền thông, nhân sự, tài chính, pháp lý, thuế, bảo hiểm?… Sự phức tạp này đặt họ trước hai lựa chọn: Chấp nhận sự hỗn loạn hoặc từ bỏ quay trở lại làm thuê cho các tập đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn một con đường thứ ba: Chinh phục sự hỗn loạn. Để làm được điều đó, KTS cần trang bị cho mình nhiệt huyết, đam mê và tầm nhìn tích cực. Họ cần học cách vượt qua những thử thách, giữ vững ý chí và không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng. Các chương trình học ngắn ngày, bổ sung kiến thức chuyên môn và kỹ năng hành nghề, chính là giải pháp để họ giữ vững tinh thần và tầm nhìn.

CPD không chỉ giúp KTS nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn xây dựng nguyên tắc hành nghề, kỷ luật bản thân và thái độ làm việc tích cực. Sự giao thoa giữa các thế hệ KTS trong các khóa học CPD tạo ra sự kết nối và động viên to lớn. Hơn nữa, CPD khuyến khích tinh thần độc lập, giúp KTS đưa ra quyết định dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, thay vì phụ thuộc vào những lời khuyên thiếu căn cứ. Cuối cùng, CPD góp phần thống nhất hệ thống hành nghề, định hướng các giá trị chung, từ đó giúp KTS và văn phòng thiết kế xây dựng hệ thống riêng phù hợp với nguyên tắc chung của quốc gia.

Một số chương trình CPD ở các quốc gia trên thế giới

  • Vương quốc Anh: Viện KTS Hoàng gia Anh (RIBA) có một chương trình CPD rất toàn diện. Họ cung cấp một loạt các khóa học, hội thảo và sự kiện trực tuyến và trực tiếp, bao gồm các chủ đề như. Thiết kế bền vững, quản lý dự án và luật xây dựng – RIBA cũng cung cấp các khóa học về “Thiết kế Nhà ở Bền vững” và “Quản lý Hợp đồng Xây dựng”.
  • Hoa Kỳ: Hiệp hội KTS Hoa Kỳ (AIA) cũng có một chương trình CPD mạnh mẽ. Họ yêu cầu các thành viên phải hoàn thành một số giờ CPD nhất định mỗi năm để duy trì tư cách hành nghề. AIA cung cấp các khóa học về nhiều chủ đề, bao gồm công nghệ xây dựng, thiết kế đô thị và đạo đức nghề nghiệp, cụ thể như các khóa học về “Ứng dụng BIM trong thiết kế kiến trúc” và “Các tiêu chuẩn LEED về xây dựng xanh”…
  • Pháp: Tại Pháp, Hội đồng Quốc gia các KTS (CNOA) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và phát triển CPD. Họ tập trung vào việc cập nhật kiến thức về quy định xây dựng, công nghệ mới và các vấn đề pháp lý liên quan đến ngành kiến trúc. Các chương trình thường bao gồm các buổi hội thảo chuyên đề về “Phục hồi di sản kiến trúc” và “Quy định về tiếp cận cho người khuyết tật”.
  • Malaysia: Viện KTS Malaysia (PAM) cũng có một chương trình CPD đang phát triển. Họ tập trung vào việc cung cấp các khóa học và hội thảo về các chủ đề như thiết kế bền vững, công nghệ xây dựng và quản lý dự án. PAM tổ chức các khóa học về “Thiết kế Nhà ở Nhiệt đới” và “Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong Kiến trúc”.

Những ví dụ này cho thấy rằng CPD là một phần thiết yếu của nghề kiến trúc trên toàn thế giới. Các tổ chức kiến trúc chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển và cung cấp các chương trình CPD chất lượng cao.

Tác động của CPD đối với KTS và ngành kiến trúc

  • CPD giúp KTS duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường;
  • CPD thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong ngành kiến trúc;
  • CPD nâng cao chất lượng công trình kiến trúc và góp phần xây dựng môi trường sống bền vững;
  • CPD giúp cho các KTS có cơ hội kết nối, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng KTS vững mạnh.

Trên thế giới, có thể hình dung hệ thống hành nghề kiến trúc được định hình trên 4 nền tảng: (1) Đào tạo KTS; (2) Môi trường hành nghề; (3) Luật, các quy chuẩn; (4) Tổ chức phát triển – bảo vệ nghề kiến trúc.

CPD đóng góp phần rất lớn trong nền tảng số 4 nhằm thiết lập hệ thống phát triển và bảo vệ nghề kiến trúc. Nghề Kiến trúc trên thế giới được xem là một nghề được bảo vệ cũng như nghề Y hay nghề Luật sư, bởi sự tác động rất lớn của nó đến xã hội, đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. CPD trở thành một công cụ thiết yếu để hỗ trợ các KTS hành nghề không chỉ tồn tại mà còn phát triển và thành công. Đó được xem là con đường duy nhất để chinh phục sự hỗn loạn trong bối cảnh hội nhập ngày nay.

Nhìn vào bối cảnh hành nghề kiến trúc của Việt Nam hiện tại, chương trình CPD đã được thực hiện khắp cả nước từ năm 2021 đến nay là bước vào năm thứ 5, về cơ bản thì các KTS hành nghề đã bắt đầu nắm bắt được yêu cầu, tuy nhiên, để hiểu hết những giá trị CPD mang lại thì chưa. Các chương trình CPD được thực hiện đa phần vẫn ở dạng bị động nhằm đáp ứng tích điểm là chính, chưa có tác động khích lệ các KTS tự phát triển nghề nghiệp ngoài chương trình tích điểm. Tuy nhiên, gần như điểm tích luỹ những năm 2021 và 2022, khi luật mới ban hành, các KTS vẫn chưa cập nhật, do đó họ thường ưu tiên việc thi cấp lại chứng chỉ hành nghề mới. Và, việc chứng chỉ hành nghề mới, gia hạn 10 năm có lẽ cũng là một vấn đề, nhiều KTS suy nghĩ đơn giản: Không cần phải tích luỹ CPD thì đến hết 10 năm thi lại cũng được. Đây cũng là vấn đề thường xảy ra khi có sự thay đổi về luật, sẽ có một khoảng để luật được áp dụng và thích ứng với bối cảnh thực tế.

Trước năm 2021, các KTS vẫn đang dùng chứng chỉ hành nghề cũ phân hạng, tức là với chứng chỉ hành nghề hạng ba thì không được thiết kế các công trình hạng hai hay hạng một mà bản chất phân biệt giữa hạng hai và hạng hạng ba có khi chỉ vì tổng diện tích sàn lớn hơn một chút, số tầng cao hơn một chút… Ví như: KTS hạng hai chỉ được thiết kế khách sạn có tổng sàn nhỏ hơn 30.000m2 sàn, còn lên 31.000m2 thì lại sang hạng 1. Chỉ đánh giá đơn giản như vậy thì rõ ràng là không đúng. Khi Luật Kiến trúc ra đời năm 2019, chúng ta bỏ phân hạng trong chứng chỉ hành nghề kiến trúc – Đây là một thay đổi rất lớn nhằm giúp cho các KTS đã có chứng chỉ hành nghề được nhìn nhận đúng hơn về vai trò thiết kế. Do đó, sẽ có một khoảng giao thoa giữa những chứng chỉ mới và cũ (chứng chỉ cũ có thời hạn là 5 năm). Vì vậy, 2025 là năm cuối cùng của các chứng chỉ cũ, cũng là thời điểm tất cả các KTS sẽ áp dụng hệ thống chứng chỉ hành nghề mới. Thực tế sẽ đòi hỏi rất nhiều ở hệ thống phát triển hành nghề liên tục – CPD. Khi hệ thống đào tạo phát huy tác dụng và được đưa vào thành hệ thống như thông lệ quốc tế, có thể việc gia hạn chứng chỉ sẽ bắt đầu được rút ngắn lại, bởi hiện tại việc để 10 năm, phần nào giúp cho các KTS chuyển đổi dần cùng với hệ thống CPD được hoàn thiện. Và lúc này thực hiện CPD phát huy những tác dụng đã nêu trên, chúng ta sẽ có được một định hướng phát triển nghề kiến trúc trong tương lại bài bản có hệ thống hơn.

Tương lai gần, với việc tiếp cận thông lệ quốc tế, việc tiếp tục hành nghề chỉ được công nhận khi người KTS luôn phải học tập, tự bồi dưỡng liên tục, và có lẽ chỉ khi ngừng học thì sẽ ngừng hành nghề. Ví như các KTS Pháp có chứng chỉ HMONP được công nhận bởi tổ chức hành nghề kiến trúc Pháp thì cứ 3 năm một sẽ phải tích lũy đủ số giờ học thì mới được tiếp tục điều hành văn phòng thiết kế của mình đến khi nào anh không còn đủ sức, hoặc không muốn học thì là lúc đó không hành nghề nữa. Xu hướng rút ngắn thời gian sẽ là xu hướng tương lai – Khi luật và cách thức thực hành kiến trúc của thế giới bắt đầu ảnh hưởng tới mọi mặt hành nghề của KTS Việt Nam. Và, tất nhiên, tôi vẫn suy nghĩ rằng bởi chúng ta chậm hơn nên chúng ta sẽ rút được bài học tốt hơn, và rồi chúng ta cũng sẽ đi nhanh hơn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần phát triển nghề nghiệp liên tục của mỗi KTS Việt Nam.

KTS Ngô Ngọc Lê
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2025)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *