Kiến trúc bền vững – Một góc nhìn

Kiến trúc bền vững – Một góc nhìn

I. Kiến trúc bền vững

Kiến trúc bền vững là sự giải quyết cụ thể những vấn đề của phát triển bền vững trong kiến trúc.

Liên hợp quốc đã xác định “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ” (1987). Theo đó, phát triển bền vững là kết quả tổng hoà của ba mặt cơ bản: bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt kinh tế và bền vững về mặt xã hội. Sau đó 40 năm, các mục tiêu phát triển bền vững (17 mục tiêu phát triển bền vững – SDGS) của Liên hợp quốc giai đoạn 2015-2030 vẫn xoay quanh ba mặt này và được đưa vào chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia.

Từ góc độ cá nhân, tôi quan tâm tới mục đích cốt lõi của phát triển bền vững là vì con người (ở hiện tại và cả tương lai) nên luôn coi trọng yếu tố văn hoá (như UNESCO đề xuất). Bởi văn hóa có khả năng đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Các giá trị và niềm tin của con người định hình mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên cũng như cách thức con người quản lý và tác động đến tự nhiên. Cùng với đó, tôi nghĩ cần cũng bổ sung yếu tố kỹ thuật & Công nghệ với vai trò là công cụ để phát triển kinh tế và bảo vệ Môi trường.

“S Space”
(Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)

Các yếu tố xã hội, kinh tế, kỹ thuật đại diện cho xu thế toàn cầu hoá, hiện đại hoá. Văn hoá và tự nhiên đại diện cho bản địa hoá. Toàn cầu hoá là không thể tránh khỏi song phải dựa trên sự tôn trọng các giá trị văn hóa thì mới đảm bảo ổn định xã hội, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững. Và, để tiếp cận kiến trúc theo hướng bền vững, cần có sự tích hợp giữa tính toàn cầu và tính bản địa (GloCal) nhằm tạo nên sự cân bằng ổn định trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ đáp ứng các yêu cầu mang tính vật chất kỹ thuật, kiến trúc còn phải phát huy được đặc trưng của địa điểm và văn hóa địa phương để tạo nên sự bền vững về mặt tinh thần cho con người – chủ thể của kiến trúc.

Kiến trúc là thực thể trung gian giữa con người với văn hoá và tự nhiên, là sự hiện thực hóa mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá – xã hội. Kiến trúc là sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu của con người, nên kiến trúc thuận theo tự nhiên thì sẽ giúp con người chung sống lâu dài với những yếu tố bất lợi, giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại do thiên tai, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành.

II. Triết Lý “Can”

Tôi quan niệm: CAN = Culture (Văn hoá) + Architecture (Kiến trúc) + Nature (tự nhiên) là một thể thống nhất và CAN là triết lý dẫn đường trong hành trình nỗ lực bền bỉ nhằm biến đổi những điều mà lâu nay vẫn đang là Không thể/ Khó khăn (trong thực tế cuộc sống cũng như trong suy nghĩ/ ý thức của xã hội) trở thành Có thể, có Cơ hội được thực hiện nhằm tạo ra những nơi chốn nhân văn và bền vững cho người dân Việt Nam.

  • Văn hoá (Culture): Là sự phản ánh con người, với những nhu cầu đa dạng. Nhu cầu của người nghèo / của thiểu số / của những tầng lớp yếu thế cũng được quan tâm tôn trọng cũng như của những người có tiền / có quyền.
  • Tự nhiên (Nature): Là để chung sống chứ không phải để chinh phục. Thiên nhiên không phải là phần thừa kế ông bà để lại cho chúng ta hưởng thụ mà là chúng ta đang vay mượn của con cháu tương lai.
  • Kiến trúc (Architecture): Cần có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá & xã hội – Vì một môi trường sống an toàn, thân thiện và bền vững.
“Brick Cave” – (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)

Tôi cho rằng, “Kiến trúc = Kiến tạo cấu trúc theo cách tự nhiên”. Vì thế, tôi sử dụng Vật liệu thân thiện để tạo dựng những Cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên, để tổ chức những không gian thiết yếu cho con người, với những hình thể hữu cơ, sống động. Mỗi yếu tố (Vật liệu, Cấu trúc, Không gian & Hình thể) đều có sự liên hệ với cả Văn hoá và Tự nhiên.

Vật liệu thân thiện: là những vật liệu dễ khai thác, sẵn có ở địa phương, như: Vật liệu tự nhiên = đất, đá, tre, gỗ,..; Vật liệu truyền thống / quen thuộc = gạch, ngói,..; Vật liệu tái sử dụng / tái chế = sắt, giàn giáo, chai nhựa,.. Những vật liệu này được sử dụng theo cách đổi mới nhằm nới rộng biên cho kiến trúc và tạo nên diện mạo đặc trưng, giúp phá bỏ quan niệm cố hữu: Kiến trúc cho người nghèo = Không gian buồn chán/ nghèo nàn + Vật liệu tồi tàn / tạm bợ. Con người có thể nghèo về vật chất nhưng cần sự giàu có về tinh thần.

“Không gian thân thiện BE” – (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Không gian thiết yếu & Hình thể hữu cơ, sống động: Hình thể là sự biểu hiện chân dung của kiến trúc và mỗi công trình kiến trúc cần có diện mạo riêng để tạo ra sự đa dạng (phù hợp với nhu cầu thực tế đa dạng của người dân).

Cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên:

  • Thuận theo quy luật của tự nhiên: phỏng theo tự nhiên (học tập và làm theo các hình mẫu, các cấu trúc của tự nhiên / tuân theo các quy luật kiến tạo và vận động của thế giới); phối hợp với tự nhiên (ứng xử hài hòa, hợp cách / thích ứng với địa điểm); tái hiện tự nhiên (gợi những ấn tượng / cảm xúc về thiên nhiên, phát triển và tiếp nối tinh thần của tự nhiên).
  • Ưu tiên các nguồn lực tại chỗ: sử dụng vật liệu thích đáng (vật liệu tự nhiên, dễ khai thác / sẵn có ở địa phương; được tận dụng / tái chế; giá thành rẻ); xây dựng bằng công nghệ thích hợp với điều kiện địa phương (dựa trên kỹ thuật truyền thống, được nâng cấp / kết hợp với kỹ thuật mới – tùy theo bối cảnh cụ thể).
  • Người dân có cơ hội tham gia: Người dân là nhân lực tại chỗ trong hành trình kiến tạo kiến trúc “cho mình” – từ bước lập dự án và thiết kế Kiến trúc, trong giai đoạn xây dựng, và cả khi sửa chữa / cải tạo / nâng cấp trong quá trình sử dụng. Tùy theo khả năng và nguyện vọng mà có thể góp công góp sức, ủng hộ tiền / nguyên vật liệu / sản phẩm, đóng góp chất xám / tay nghề.

Từ khi bắt đầu thành lập văn phòng thiết kế năm 2009, tôi đã luôn hướng đến các yếu tố bền vững trong các Kiến trúc vị dân sinh của mình. Với góc nhìn cá nhân, xin phép được chia sẻ quan điểm thiết kế và những suy nghĩ rút ra từ các công trình đã xây dựng, xoay quanh một số khía cạnh xuyên suốt, mang tính nguyên tắc:

  • Kiến trúc bền vững là một sự kiến tạo bền vững – không phải đột phá / đột biến mà là đổi mới cái đang có / chuyển hoá từng bước để tạo nên sự thay đổi tích cực và có sự tiếp nối về văn hoá.
  • Bản chất kiến trúc là sự tổng hoà các mặt đối lập, vì thế kiến trúc bền vững cần phát huy những mối liên hệ đa chiều / đa lĩnh vực, tạo ra những cơ hội phát triển đa dạng / cộng sinh đa ngành nghề cho các đối tượng con người.
  • Kiến trúc bền vững không phải là bất biến mà có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường / sự phát triển của xã hội / sự đa dạng nhu cầu của con người và cộng đồng.
  • Kiến trúc bền vững tạo cơ hội cho sự hồi sinh những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, mở ra khả năng tái thiết lập sự cân bằng ổn định cho xã hội, tái sinh những giá trị tinh thần cốt lõi của con người.

KTS Đoàn Thanh Hà – H&P Architects
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)


Tham khảo
1. Văn hoá – Cột trụ thứ tư của phát triển bền vững / Tạp chí Kiến trúc Việt Nam / TS.KTS Trần Quốc Thái & TS. KTS Nguyễn Trí Thành
2. HOUSES & PEOPLE (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người) / NXB Tri thức, 2022 / TS. KTS Nguyễn Trí Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *