Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đồng hành cùng đất nước sau thống nhất

Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đồng hành cùng đất nước sau thống nhất

Sáng ngày 19/4/2025 tại TP. HCM, trong không khí hào hùng và phấn khởi của cả nước kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) và chào mừng Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4/2025, Hội KTS Việt Nam đã phối hợp với Hội KTS TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất”. Hội thảo nằm trong chương trình hoạt động của Hội KTS Việt Nam thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư và Kế hoạch 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư) về tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025).

Hội thảo đã thu hút hơn 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu, KTS, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lý luận phê bình, bảo tồn di sản, đào tạo KTS, quản lý nhà nước… đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Khai mạc Hội thảo, KTS. Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. HCM đã có bài phát biểu chia sẻ về tổng quan những công trình kiến trúc ở miền Nam trong giai đoạn trước và sau năm 1975. Ông cũng đặt ra những băn khoăn về sự “biến mất” của những công trình mang đậm dấu ấn bản địa và gợi mở nội dung về mã di truyền Kiến trúc Việt Nam để các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận.

KTS. Nguyễn Trường Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo

Mở đầu phần trình bày tham luận, GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Hội KTS Việt Nam đã có nội dung dẫn luận về Kiến trúc Việt Nam – 50 năm Đất nước thống nhất và cũng là dấu mốc quan trọng và nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Kiến trúc Việt Nam. Theo GS Thông, 50 năm qua, Kiến trúc Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Để nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc, cần tập trung một số nội dung như: Đổi mới toàn diện công tác Quy hoạch; Chú trọng phát triển xu hướng kiến trúc hiện đại nhiệt đới, xu hướng kiến trúc bản địa và kiến trúc xanh; Đào tạo nâng cao năng lực KTS, cả nhà lý luận phản biện chuyên nghiệp và Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng tài năng Kiến trúc.

GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo đã cùng nghe các bài tham luận tổng kết về quy hoạch, kiến trúc tại miền Nam trong 50 năm qua từ các chuyên gia: TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (Ngo Viet Architects), ThS. KTS Phạm Văn Phước (Phó Viện trưởng Viện QHXD TP. HCM), TS.KTS.Nguyễn Song Hoàn Nguyên (Đại học Kiến trúc TPHCM), TS.KTS Trần Anh Tuấn (Phó trưởng khoa Kiến trúc, ĐH Văn Lang).

Các diễn giả tại phiên thảo luận Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất”

Nửa thế kỷ sau đất nước thống nhất đã đi qua, diện mạo kiến trúc đô thị của nước ta ngày càng khang trang, hiện đại và bản sắc. Tiến trình Đô thị hóa và phát triển hệ thống đô thị đã tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Kiến trúc đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại đã đem đến cho người dân một nơi chốn bền vững, hạnh phúc, thân thiện với môi trường, với con người. Giới KTS đã không ngừng lao động sáng tạo, tạo nên hàng trăm ngàn công trình kiến trúc có giá trị về kinh tế, về thẩm mỹ làm giàu thêm kho tàng kiến trúc dân tộc và nền văn học nghệ thuật của nước nhà.

Triển lãm 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam

Nhân dịp này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam (bao gồm 34 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở vào) dựa trên đề cử của các Hội KTS địa phương. Trong khuôn khổ Hội thảo, các công trình này đã tham gia triển lãm và được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng “Bằng khen Công trình Kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam – 50 năm đất nước thống nhất”.

Hội KTS Việt Nam trao Bằng khen cho các tác giả có Công trình Kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam – 50 năm Đất nước Thống nhất

Triển lãm không chỉ trưng bày các công trình tiêu biểu mà chính là những sáng tạo vượt bậc từ tâm huyết, trí tuệ của nhiều thế hệ kiến trúc sư cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài các nội dung trình bày, Hội thảo ghi nhận 23 bài tham luận chuyên sâu về công tác quy hoạch – kiến trúc – đô thị và nông thôn trong nửa thế kỷ. Hội thảo đã mang đến cái nhìn khái quát, khách quan nhưng sâu sắc về những thành tựu trong phát triển quy hoạch kiến trúc của đất nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như chỉ ra những yếu kém còn tồn tại đã và đang hạn chế sự phát triển của nền kiến trúc nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

TS. KTS. Phan Đăng Sơn kết luận tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam kêu gọi các kiến trúc sư Việt Nam hãy sáng tạo bằng tinh thần tự do của người Việt, tạo ra những công trình mang bản sắc dân tộc, phù hợp với điều kiện vùng miền, mang tinh thần tiếp biến, đổi mới và không chỉ là mô phỏng. Bên cạnh TP.HCM, các đô thị trên cả nước cũng cần có những diễn đàn riêng để làm rõ bản sắc kiến trúc – mỗi địa phương đều đóng góp vai trò quan trọng vào diện mạo kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới.

Nửa thế kỷ kiến trúc Việt Nam sau đất nước thống nhất là một chặng đường đầy gian khó nhưng cũng thật vẻ vang mà giới KTS đã đồng hành cùng cả nước đi qua, làm nên những thành tựu lớn lao trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tri ân các diễn giả tại Hội thảo

Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất” đã giúp các KTS cùng nhìn lại chặng đường 50 năm và cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch kiến trúc còn thiếu vắng, để từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Tạp chí Kiến trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *