KTS Bùi Thế Long và văn phòng thiết kế Creative Architects được biết đến với các công trình ‘biết thở’ 24/24 bằng gạch, đồng thời khám phá những phương án kiến trúc mới để trả lại môi trường những gì mà xây dựng đã lấy đi. Dưới đây là những chia sẻ của KTS Bùi Thế Long về quy trình thiết kế, cách tiếp cận công trình và đặc biệt là 5 luận điểm cấu thành công trình kiến trúc đương đại nhiệt đới.
Creative Architects (CTA), được thành lập từ năm 2014, là tập thể các Kiến trúc sư trẻ với người đứng đầu là KTS Bùi Thế Long. Văn phòng hoạt động kiến trúc với tinh thần học hỏi và đề cao sự sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những trải nghiệm thú vị trong các không gian kiến trúc. Bên cạnh các hoạt động về kiến trúc, CTA còn có những hoạt động học thuật, nghiên cứu, sáng tạo nhằm tạo ra những giải pháp khắc phục các vấn đề còn tồn đọng của xã hội hiện nay.
Trong suốt quá trình hành nghề, KTS Bùi Thế Long cùng các cộng sự ở Creative Architects đã đạt được những thành tựu đáng kể như:
– 2020: Hạng mục Top 10 Houses: Am house
– 2020: Hạng mục Top 10 Houses: Wall House
– 2020: Top 100 công trình kiến trúc đẹp nhất năm 2020 do Archdaily bình chọn: Am House
– 2020: Top 10 công trình gạch năm 2020 do Archello bình chọn: Am House
– 2020: Hạng mục Á quân Khu vườn của Giải thưởng Thiết kế Dwell 2020: Am House
– 2022: Giải thưởng Top 10 Brick: Wall House
Điều gì truyền cảm hứng cho ông trong quá trình thiết kế?
Mọi thứ xung quanh đều có thể là nguồn cảm hứng cho quá trình thiết kế của tôi: từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đến những con người. Đặc biệt việc giải quyết các vấn đề về không gian sống của xã hội nhằm tạo ra không gian sống hài hòa của con người với môi trường tự nhiên luôn thôi thúc sáng tạo.
Điều gì đã truyền cảm hứng để ông trở thành một kiến trúc sư?
Lúc còn bé sống dưới quê, xung quanh không có hàng xóm, suốt ngày chơi loanh quanh trong vườn. Một hôm nhà tôi đón một chú thợ mộc đến đóng đồ gỗ cho gia đình. Chú làm xưởng mộc tạm ngay hiên nhà, với tính tò mò của con nít tôi ngồi hàng giờ liền, ngày qua ngày quan sát chú bào gỗ, đục mộng, cưa, lắp ráp… Thời gian đó tôi không chạy chơi loanh quanh trong vườn nữa. Công việc thủ công của người thợ mộc thực sự thu hút, đó là khởi nguồn của lý do tôi chọn học kiến trúc sau này.
Ông có thể chia sẻ về triết lý thiết kế của mình?
Hầu hết các công trình của tôi đều được xây dựng quanh TP Hồ Chí Minh, nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Những năm gần đây, khí hậu chung của khu vực ngày càng nóng lên. Nhiệt độ cao nhất của năm sau luôn cao hơn năm trước.
Qua nhiều năm hành nghề và liên tục xử lý các vấn đề liên quan đến sự tác động của khí hậu địa phương tác động lên công trình, Creative Architects đã hình thành nên được 5 luận điểm cấu thành một công trình kiến trúc đương đại nhiệt đới:
1. Cách nhiệt tự thân: Vỏ bao che bảo vệ công trình nên có một tổ hợp các giải pháp để ngăn cách những tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời cũng như tạo một không gian có môi trường vi khí hậu thuận lợi cho hoạt động của con người.


2. Ngôi nhà biết thở: Công trình như một cơ thể sống, nó cần trao đổi không khí 24/24. Chính vì vậy chúng ta không thể giao nhiệm vụ hít thở cho cửa sổ. Khi cửa sổ đóng công trình sẽ chết ngạt. Chúng ta phải làm đủ mọi cách để đưa không khí tươi vào công trình, lúc đó công trình mới sống được.



Công trình sử dụng gạch 4 lỗ giúp không khí dễ dàng lưu thông

Kết hợp gạch rỗng và cửa kính đóng mở linh hoạt giúp ngôi nhà ‘thở’ dễ dàng hơn
3. Độ trễ của hoạt động con người với bức xạ mặt trời: Ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, bức xạ mặt trời chỉ tác động tiêu cực lên một số không gian nhất định của công trình. Nếu chúng ta bố trí những khu vực có con người hoạt động lệch pha so với chu kì tác động của mặt trời thì dù bức xạ mặt trời có tác động tiêu cực lên công trình nhưng lại không ảnh hưởng gì tới người sử dụng.
4. Khoảng mở và hiệu ứng nhà kính: Công trình kiến trúc đương đại thường có những khoảng kính mở rất lớn, nhưng nếu không xử lý khéo thì những mảng kính này sẽ tạo nên hiệu ứng nhà kính làm công trình bị nóng lên. Để hạn chế vấn đề này thì những không gian có mảng kính lớn luôn cần một hệ mái hiên lớn nhằm hạn chế phần lớn tác dụng của bức xạ mặt trời lên hệ mái kính cũng nhưng bố trí những khe thông gió 24/24 ở khu vực này để triệt tiêu hiệu ứng nhà kính.


5. Cây xanh và mặt nước: Hai yếu tố nằm ngoài công trình mà chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu tác động của bức xạ mặt trời lên vỏ bao che, giảm thiểu sự bê tông hóa cũng như góp phần cải tạo vi khí hậu cho công trình.

Dự án yêu thích của ông là gì?
Dự án yêu thích của chúng tôi luôn nằm ở tương lai. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn tìm thấy được sự thú vị và mới mẻ khi nhìn thấy dự án được hình thành từng chút một. Chúng tôi hoàn toàn không đoán trước được dự án khi hoàn thành sẽ trông như thế nào. Có lẽ chính điều đó làm cho công việc thiết kế trở nên thú vị.
Trong suốt quá trình hành nghề, câu chuyện thiết kế nào mà ông thích nhất?
Năm 2018 chúng tôi thực hiện công trình Wall house có thiết kế một giếng trời rất lớn để cung cấp đủ ánh sáng cho hệ thống cây xanh khu vực phòng khách và phòng ăn. Khi công trình được xây dựng lên thì chúng tôi gặp phải vấn đề khá nan giải: Khu vực này đang bị nắng chiếu quá nhiều, rất khó để cân đối được lượng ánh nắng vừa đủ cho cây xanh lại không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Mọi người trong văn phòng đã làm việc rất nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Thật bất ngờ khi vấn đề đang làm khó đội ngũ thiết kế của văn phòng lại được anh chủ thầu xây dựng giải quyết một cách cực kỳ thông minh và đơn giản: Anh đã dùng đá mi 1x2cm rải một lớp mỏng trên kính để điều tiết lượng ánh nắng chiếu vào nhà, chỗ nào dư sáng thì rải nhiều, chỗ nào thiếu sáng thì không rải. Chi tiết cực kì đơn giản nhưng cực kì hiệu quả lại kinh tế, kết quả cũng ấn tượng, tự nhiên.


Những viên đá mi 1x2cm rải một lớp mỏng trên kính vừa điều tiết ánh sáng, vừa tạo hiệu ứng đẹp mắt cho không gian
Ông có đặc biệt yêu thích và thường sử dụng vật liệu nào không?
Tôi làm việc với tất cả các vật liệu, từ bê tông, gạch, đá, sắt thép… và không đặc biệt yêu thích một loại vật liệu nào, chỉ có những vật liệu hữu duyên làm nhiều nên trở nên quen thuộc.
Quy trình bắt đầu một dự án mới của ông như thế nào?
Việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu một dự án là lắng nghe :
– Lắng nghe tâm tư của khách hàng về công trình mà họ muốn xây
– Lắng nghe điều kiện tự nhiên, bối cảnh xung quanh của khu đất
– Lắng nghe điều kiện xã hội của địa phương
Khi lắng nghe đủ thì ý tưởng sẽ nảy mầm.
Ông có thể chia sẻ về cách cân bằng giữa chức năng và tính sáng tạo trong các thiết kế của mình?
Đó là một bài toán cân đo đong đếm giữa các tiêu chí có thứ tự ưu tiên rõ ràng, tôi cùng với khách hàng làm việc liên tục với nhau để công trình đạt được các tiêu chí trong thứ tự ưu tiên mà mọi người đã thống nhất.
Môi trường ảnh hưởng đến công việc của ông như thế nào?
Văn phòng chúng tôi nằm ở TP Hồ Chí Minh, nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hầu hết công trình tôi làm đều ở khu vực này, qua nhiều năm hành nghề và liên tục xử lý các vấn đề liên quan đến sự tác động của khí hậu địa phương tác động lên công trình, chúng tôi đã hình thành nên được 5 luận điểm cấu thành nên một công trình kiến trúc đương đại nhiệt đới mà tôi đã nói đến ở trên.
Ông làm việc với khách hàng như thế nào để hiện thực mong muốn của họ?
Tôi luôn quan niệm rất rõ ràng, chúng tôi thiết kế nhà nhưng người ở đó suốt đời là khách hàng. Nhà của khách hàng nên chúng tôi hầu như không đặt cái tôi, sở thích cá nhân vào trong công trình. Nếu công trình được hình thành dựa trên cái tôi cá nhân, thì sau 10 công trình tôi nghĩ sẽ không còn cái mới để đưa vào công trình. Còn nếu đặt việc hình thành ý tưởng từ chính cuộc sống của khách hàng thì mỗi công trình lại có đề bài mới, mình không còn phải vật vã đi tìm cái riêng cho công trình nữa. Với cách vận hành như vậy, công trình luôn được phát triển quanh nhu cầu cuộc sống của khách hàng.
Điều gì đã truyền cảm hứng cho công trình 2Hien House?
Đó là cuộc sống của khách hàng, họ là những người rất trân trọng những giá trị kiến trúc truyền thống của Việt Nam, họ thu thập những vật liệu gạch ngói cũ từ trước khi làm việc với chúng tôi. Đó là nguồn cảm hứng để chúng tôi cùng với khách hàng tạo ra một không gian sống phù hợp nhất đối với họ.

Vật liệu đã định hình thiết kế và tính bền vững của 2Hien House như thế nào?
Như đã chia sẻ ở trên, khi ngồi trao đổi với khách hàng ở những buổi gặp đầu tiên, chúng tôi phát hiện ra cả hai vợ chồng đều rất say mê những vật liệu cũ, họ đã sưu tập rất nhiều gạch ngói cũ trong một thời gian dài. Chúng tôi đã lên ý tưởng xoay quanh sở thích của gia chủ, qua đó hình thành sợi dây liên kết giữa ý tưởng, nên khi trình bày phương án, hầu như chúng tôi không phải thuyết phục gì, đơn giản chỉ điều chỉnh một số vị trí để phù hợp hơn với nhu cầu cá nhân của khách. Mọi việc đều diễn ra một cách rất tự nhiên.


Không gian của 2Hien House tự nhiên và gần gũi
Ông có lời khuyên nào dành cho các kiến trúc sư trẻ không?
Sau nhiều năm hành nghề, văn phòng chúng tôi đã trải qua rất nhiều đợt thực tập sinh. Năm nào tôi cũng nhận thấy các bạn sinh viên đều thiếu rất nhiều những kiến thức cơ bản và những kiến thức này sau khi ra trường lại là những vật cản rất lớn trong quá trình hành nghề. Vậy nên chúng tôi rất hy vọng các bạn đủ kiên nhẫn để học tập, rèn luyện và phát triển bản thân.
Biên tập: An Nhiên
* Nội dung phỏng vấn được đăng tải trên Architecture Lab