Năm năm trước, ngày 1/7/2020 – là một ngày thật vui cho nghề kiến trúc, đặc biệt với giới kiến trúc sư (KTS). Đó là ngày Luật Kiến trúc chính thức có hiệu lực pháp luật, sau khi Quốc hội đã thông qua một năm trước đó. Niềm vui càng lớn hơn, nếu biết rằng cuộc vận động ra Luật (có nội dung chính là hành nghề KTS) đã được Hội KTS Việt Nam đề xuất và theo đuổi vận động từ 24 năm trước đó. Dù Luật không thể làm vai trò “cây đũa thần”, tức khắc thay đổi ngay chất lượng nghề kiến trúc, nhưng đó là chỗ dựa của niềm tin vào sự phát triển lành mạnh của ngành kiến trúc xây dựng nước nhà. Chí ít, ngành kiến trúc đã có Luật để dần hoàn thiện, hướng tới chất lượng phù hợp xu thế phát triển và hội nhập xứng tầm khu vực và quốc tế. Mặc dù điều kiện bình đẳng (bằng Luật) chúng ta có được hôm nay, các nước quanh ta (như Singapore, Malaysia) đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước; chưa kể, các quốc gia này đã quen thuộc với chuẩn mực hành nghề KTS của Anh quốc từ đầu thế kỷ 20, lúc còn là nước thuộc địa Anh (1904 – 1949)…
Nhưng bất kể những khái niệm hay chi tiết điều khoản Luật chính xác tới đâu, chuyện lớn nhất giới KTS có được là “có Luật” để làm nghề, thay vì phải thụ động vận dụng thông tư, nghị định của nhiều Bộ ngành, mà khi cần điều chỉnh, giới nghề kiến trúc không dễ chủ động đề xuất.
5 năm đã trôi qua – Đây là chặng thời gian đủ dài để bước đầu kiểm chứng “độ êm” của việc vận hành Luật kiến trúc!
Mục đích yêu cầu cơ bản của luật kiến trúc
Kiến trúc và xây dựng là hai mặt giá trị không tách rời của bất kỳ một công trình nào được hình thành, phục vụ nhu cầu của con người. Xây dựng là phần “cơ thể”. Kiến trúc là phần giá trị phi vật thể trong cơ thể xây dựng đó, bao gồm cả khía cạnh “thấy được” của nghệ thuật tạo hình. Phần “cơ thể” công trình như: Vật liệu, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng, thông gió, chống nứt nẻ, rêu mốc… đều có những quy tắc, bài toán, yếu tố vật lý, hoá học… để thực hiện. Phần “cơ thể” này, nếu bỏ qua yếu tố cảm xúc và nghệ thuật, đều có thể đáp ứng được bởi những chuyên gia kỹ thuật khác. Phần hồn kiến trúc, bao gồm cân bằng công năng và cảm xúc, ý tưởng và nghệ thuật tạo tác, là công việc của KTS. Công việc mang tính sáng tạo nghệ thuật này chỉ có thể quyết định và chịu trách nhiệm “thể nhân” của KTS. Nhiều phần cũng tương tự như bác sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ… mà thôi. Ví như “pháp nhân” một bệnh viện lớn có tiếng tăm, có thể có quy trình chuẩn, nhưng không chịu trách nhiệm thay quyết định điều trị của một bác sĩ A hay bác sĩ B. Sáng tác kiến trúc không ngoại lệ. Bản chất Luật nghề kiến trúc là chi phối hành vi, đạo đức và năng lực cá nhân KTS, chủ thể làm nghề tư vấn kiến trúc.
Chính vì vậy, luật về kiến trúc của hầu như tất cả Hội KTS Quốc gia thành viên của Liên Hiệp hội KTS thế giới (UIA: international union of architects) đều là Luật KTS – “Architects act” hoặc Luật nghề kiến trúc – “Architectural profession law”.
Nói về điều này, không phải để so đo về cái tên của Luật, mà chúng ta đã quá vui mừng khi có nó. Điều cần chính là một thái độ ứng xử chuẩn mực hơn (qua thông tư, nghị định) để phát huy năng lực và hiệu quả sáng tạo trong làm nghề và quản lý phát triển nhân lực “làm nghề kiến trúc. Một hệ thống nhân lực mạnh, bền vững.
Luật là một lĩnh vực chuyên môn sâu và tinh tế, không nên và không thể lạm bàn trong một bài báo. Do đối tượng chủ yếu của Luật Kiến trúc là KTS, nên với tư cách người KTS làm nghề, chúng tôi tin mình cảm nhận được nút thắt cần tháo gỡ để dòng chảy của Luật được thông suốt trong đời sống kiến trúc.
Xác định tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư
Trong Luật Kiến trúc, cụm từ “Tổ chức Xã hội – Nghề nghiệp của KTS” được nhắc đến rất nhiều lần. Ý nói đây là tổ chức có vai trò quan trọng có trách nhiệm, năng lực và quyền hạn quán xuyến nhiều mặt nội dung của luật trong vận hành. Nhưng cả luật lẫn hướng dẫn của Nghị định 85 đều không nêu đích danh tên của tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Vì có nhiều hình thức tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên nếu chỉ đề cập chung chung sẽ dẫn đến phân tán, mơ hồ về trách nhiệm, quyền hạn luật đã giao.
Điển hình như việc quản lý chất lượng KTS hành nghề, phát triển nhân lực KTS hành nghề, tổ chức sát hạch và điểm CPD,… và mặt quan trọng nữa là khả năng huy động được nguồn xã hội hoá trong quỹ điểm CPD phát triển nghề nghiệp liên tục. Thực tế, cũng như phù hợp thông lệ quốc tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp đó chính là Hội KTS Việt Nam.
Riêng tổ chức quản lý KTS hành nghề, vì có yếu tố luật pháp (cấp phép hành nghề), nên Hội KTS không được (và không nên) giao quyền cấp phép, mà nên là một tổ chức theo cơ chế hiệp thương với Bộ Xây dựng, lãnh đạo bởi Hội đồng KTS Quốc gia, do nhà nước bổ nhiệm, ví dụ tham khảo: Tổ chức RIBA (Anh); BOA (Singapore) hay LAM (Malaysia)… Cơ chế này đã có trong đề xuất của Hội KTS Việt Nam trước đây, nhưng chưa được áp dụng. Hiện tại, quyền cấp phép là ở Bộ Xây dựng, nhưng lại uỷ quyền cho các sở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Thực sự, ngoài TP Hồ Chí Minh và văn phòng TW Hội KTS Việt Nam, hầu hết các tỉnh không đủ năng lực xác nhận KTS đủ năng lực hành nghề phạm vi toàn quốc. Hơn nữa cũng không có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên của KTS làm nghề. Sự “lệch pha” lớn này đang gây khó khăn cho các KTS ở các địa phương cần lấy điểm CPD. Chúng ta có nhu cầu quan trọng là cam kết chất lượng đồng đều cho KTS hành nghề phạm vi toàn quốc.
Làm nghề bằng hình thức văn phòng kts, tại sao không?
Quyền hành nghề bằng hình thức Văn phòng KTS đã được nêu trong Luật Kiến trúc ngay từ đầu. Nhưng từ ngày Luật Kiến trúc ra đời cho tới nay, không có một văn bản pháp quy nào hướng dẫn quy trình pháp luật thực hiện hình thức Văn phòng KTS. Vậy không có một văn phòng KTS nào ra đời trong 5 năm qua?
Trong thực tế, chẳng những có, mà đã có nhiều văn phòng KTS vẫn hoạt động tốt từ khi chưa có Luật Kiến trúc. Vì đó là một thực tế phù hợp ngành nghề KTS trên thế giới. Chỉ có điều thiệt thòi, khi cần con dấu pháp nhân theo quy định thì “nhờ” con dấu của một công ty tư vấn kiến trúc nào đó (tất nhiên phải mất một khoản phí trong phần thiết kế phí vốn đã rất ít ỏi). Cần biết rằng, theo tập quán quốc tế, hơn 80 % các đơn vị tư vấn kiến trúc chuyên nghiệp chỉ là văn phòng KTS. Và có nhiều văn phòng tên tuổi tầm thế giới chỉ với dưới 10 nhân sự!
Ai cũng biết, quản lý một công ty (theo luật công ty) thì phức tạp và tốn kém hơn hẳn do các quy trình, bộ máy, chính sách xã hội, kế toán… Công ty tư vấn kiến trúc là loại hình kinh doanh có điều kiện – Đảm bảo đủ nhân sự quán xuyến các bộ môn kỹ thuật như quy định thì không thể ít người. Làm nghề bằng hình thức văn phòng KTS sẽ tạo điều kiện để người KTS toàn tâm, toàn ý và toàn lực vào công việc sáng tạo kiến trúc và điều phối tư vấn thứ cấp. Dĩ nhiên để đảm bảo cơ chế làm việc này, cần quy định vai trò độc lập tương đối về trách nhiệm, quyền hạn và thù lao của các tư vấn kỹ thuật khác trong dự án kiến trúc. Và đây cũng là điều kiện tốt để phát huy vai trò của tư vấn quản lý dự án (lâu nay vốn nặng tính quản lý hành chính).
Để vận hành trơn tru nội dung Luật Hành nghề Kiến trúc khi mới ra đời, KTS.Larry Ng – Chủ tịch Hội đồng KTS Singapore – đã từng lưu ý: Ngay cả họ cũng mất 5 đến 7 năm trời, với nhiều điều chỉnh, tích lũy kỹ năng.
Hành trình nào cũng cần bước đầu tiên với chỉ hướng chính xác. Nội dung đề xuất của chúng tôi chỉ mới dám đề cập hai điểm bước đầu, có thể là quan trọng, để góp phần khơi thông nội dung phổ cập của Luật Kiến trúc thời gian tới.
Biết rằng thực hiện nội dung chỉnh sửa Luật và Nghị định cần sự rà soát và biên tập công phu vì liên quan nhiều chính sách, quy định của bộ, ngành khác. Chỉ mong sự đồng thuận về cách hiểu đặc điểm và ảnh hưởng nhạy cảm của nghề KTS sẽ làm cơ sở thúc đẩy hiệu quả việc điều chỉnh Luật và Nghị định kiến trúc, giúp Luật đi vào đời sống một cách tích cực nhất.
KTS Nguyễn văn Tất
Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc BCH khoá X – Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2025)