TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
77 năm đã trôi qua từ ngày 27/4/1948 – Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập và gửi lời nhắn nhủ: “…Kiến trúc là một việc rất quan hệ”! Mỗi tháng tư về, giới KTS và cộng đồng lại khắc khoải nhiều hơn trong việc nhìn lại chặng đường đã đi qua, từ đó tiếp thêm nguồn động lực cất cánh, thăng hoa. Ở thời điểm hiện nay, khi cả dân tộc đang vươn mình vào kỷ nguyên mới đột phá, giàu mạnh, bền vững, thì điều đó càng có ý nghĩa thật quan trọng.
Có thể điểm lại những chặng đường đã đi qua đó – Rồi nghĩ suy về tương lai!
VỚI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ ĐI QUA
Khi đất nước dành độc lập cho đến năm đất nước hòa bình thống nhất (1945-1975)
Từ những công trình sử dụng ngắn hạn đầu tiên là Đài Độc lập ở quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Kỳ đài tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh -TP HCM), cho đến những công trình kiên cố, dài hạn, phục vụ cho phát triển đất nước từng thời kỳ. Ở phía Bắc như: Quy hoạch các đô thị; kiến tạo công trình Học Viện Nguyễn Ái Quốc và nhiều trường đại học, trường phổ thông; Bảo tàng Cách mạng Thái Nguyên và một số bảo tàng; Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và các bệnh viện cấp tỉnh huyện; hàng trăm khu nhà ở tập thể ở các thành phố; những nhà máy – xí nghiệp theo yêu cầu nền sản xuất mới, hàng loạt công viên phục vụ nghỉ ngơi cho mỗi đô thị, thiết chế văn hóa khắp vùng miền cho cộng đồng… Ở phía Nam, từ các công trình ở vùng chiến khu cách mạng đến các công trình ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các đô thị miền Nam… Hầu hết là kiến trúc giàu chất văn hóa bản địa, le lói hiện đại được hình thành mạnh mẽ và kịp thời phục vụ tùy từng môi cảnh. Sự đóng góp thiết thực và hiện hữu của kiến trúc cho đời sống cộng đồng không ngừng được đáp ứng tốt dần lên, kể cả trong điều kiện chiến tranh, đã khẳng định vai trò của kiến trúc là “quan hệ’’ – Thực sự mật thiết và hệ trọng trong đời sống dân sinh và quá trình xây dựng phát triển quốc gia.
Có một điều khá thú vị và rất may mắn của thời kỳ này là những sản phẩm kiến trúc, đa số đều xuất phát từ sự vận dụng, ứng dụng, phát huy khá tốt chất Việt Nam trong sáng tạo. Những công trình nước bạn mang đến thì có phôi phai và linh hoạt, ít tính truyền thống hơn, nhưng nhìn chung vẫn là gắng gỏi cho dòng chảy Kiến trúc Việt Nam tìm đến hội nhập với tinh thần không hòa tan. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã có những nghiên cứu, phân tích sâu sắc về Kiến trúc Việt Nam giai đoạn này. Vì vậy, bài viết này xin không đề cập cụ thể nữa.
Những năm cả nước vận hành cơ chế kế hoạch và bao cấp (1975 – 1986)
Thời kỳ này, cả hai miền Nam – Bắc đều vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, sự ưu tiên của quốc gia về kiến trúc là quy hoạch bài bản lại các đô thị khắp mọi vùng miền, tập trung nhất cho những đô thị lớn; về công trình là tái tu bổ, tôn tạo để sử dụng với chức năng giữ nguyên hoặc chuyển đổi các công trình đã có từ thời Pháp thuộc và từ khi lập nước Việt Nam DCCH.
Việc tạo dựng những kiến trúc mới, phần chủ yếu là từ nguồn viện trợ trọn gói của Liên Xô và các nước XHCN. Chính vì vậy, hình hài gần với kiến trúc hiện đại Đông Âu mọc lên khắp mọi miền đất nước cho mọi thể loại: Các khu nhà ở cao và thấp tầng; các loại công trình công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, bảo tàng, nhà máy… các nơi trên khắp đất nước đều hầu như theo những mô típ giống nhau: Mái bằng, hộp khối vuông, giảm thiểu chi tiết, một số pha lẫn sự mô phỏng chi tiết từ hình thái kiến trúc truyền thống Việt Nam. Những tổng phổ này đã đưa đến một dạng kiến trúc cảm nhận như những bài ca nhạc mới, có thể trình diễn với năm châu. Tuy nhiên, với người Việt Nam, “bài ca” đó cũng không đến nỗi xa lạ.
Một số tác phẩm kiến trúc mới do KTS Việt Nam sáng tạo trong thời gian này, tuy chưa được nhiều về số lượng và tính phổ cập phong cách, nhưng cũng đã có những đóng góp giá trị về chuyên môn. Điểm khá nổi bật chính là việc sáng tạo đã gắn với phát huy bản sắc, bằng những cách tiếp cận đa dạng hơn giai đoạn trước, trong đó khía cạnh “hồn vía” cội nguồn được chú trọng hơn là mô phỏng, bắt chước. Cung Thiếu nhi Hà Nội, Tượng đài Liệt sĩ Bắc Sơn (Tuyên Quang), Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội), Nhà hát Hòa Bình (TP HCM)… chính là những minh chứng cho điều này. Các sáng tạo đó đã để lại những vệt sáng trên chặng đường khơi nguồn đổi mới nền văn hóa dân tộc.
Thời kỳ đổi mới hội nhập (1990-2025)
Chuyển sang thời kỳ này, cách tiếp cận giải quyết vấn đề sáng tạo kiến trúc được thay đổi từ “cầm tay chỉ việc bao cấp” sang cơ chế “cạnh tranh thị trường” như mô hình chung quốc tế. Điều đó, tạo nên sự thuận lợi là những tác phẩm tốt của KTS Việt Nam có cơ hội thi thố để được triển khai. Nhưng cũng khó khăn rất lớn là sự nhập cuộc của các KTS quốc tế với năng lực sáng tạo vượt trội, kể cả về nghệ thuật và khoa học công nghệ. Việc chuyển đổi cơ chế cũng cần một thời gian dăm bảy năm để thật sự đổi thay. Vì vậy, sáng tạo kiến trúc Việt Nam có chuyển biến, đổi mới rõ rệt phải sang đầu thế kỷ 21 mới nở nhiều hoa trái.
Với những quy hoạch – công trình được sáng tạo từ tư vấn quốc tế, Kiến trúc đã thực sự có được những đột phá rõ rệt. Nhất là cách tiếp cận để triển khai những tổ hợp công năng lớn, phức tạp. Yếu tố quốc tế hóa đã thể hiện đậm đặc, rất nhiều thành công ở đây. Một phần quan trọng là do từ cách quản lý kiến trúc của Việt Nam, vào thời điểm đó chưa đề cao việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa hay đặc biệt đặt thành những tiêu chí bắt buộc với đối với các nhà đầu tư. Do đó, có thể nói: Ở một mức độ nào đó, thời kỳ này định hình phát triển kiến trúc Việt Nam chính là các nhà đầu tư lớn. Cách làm này đã tạo ra những sản phẩm kiến trúc chú trọng tính hình thức, tính chuyên môn thiên nhiều hơn về khía cạnh kỹ thuật với công năng và công nghệ tiên tiến, tính bản sắc truyền thống được giải quyết khá tùy tiện – Do không hình thành yếu tố ràng buộc. Bởi vậy những hình hài “Địa trung hải”, lâu đài thành quách Châu Âu thời Phục hưng được “di cư” nguyên thể sang Việt Nam một cách sôi động và hào hứng.
Bên cạnh đó, kiến trúc hiện đại Âu Mỹ với sự nghiên cứu, tiếp biến “hồn cốt” Việt ở mức độ khác nhau cũng được các nhà tư vấn quốc tế triển khai ở Việt Nam khá mạnh mẽ, đặc biệt là các thể loại công trình lớn từ vốn đầu tư công, như Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Trung tâm khoa học Bình Định, Tháp Bitexco, Ngân hàng Viecombank TP HCM… Những thể loại công trình này đã mang đến cho kiến trúc Việt Nam những diện mạo mới, trong tinh thần hội nhập dòng chảy hiện đại thế giới sòng phẳng, mà không bị hòa tan.
Với những sáng tác kiến trúc của KTS Việt Nam thời kỳ này, thành công nhất có lẽ là sự tiếp cận bản sắc – hiện đại với việc hòa quyện, kết nối theo hướng khai thác tinh thần nơi chốn, không còn theo kiểu biểu hiện, bắt chước, mô phỏng. Cách tiếp cận này đã được ứng dụng nhiều hơn trong sáng tạo kiến trúc, cũng có thêm sự nghiên cứu, lý luận, phê bình. Chính vì vậy, mảng tác phẩm về nhà ở, đặc biệt là nhà ở thấp tầng đơn lẻ đã có những sự thành công vượt trội, với những sáng tạo tiếp biến không gian sử dụng năng lượng và vật liệu thụ động, hình thái kiến trúc phảng phất mong đợi vùng miền. Bên cạnh đó, theo cách tiếp cận này, các mảng công trình công cộng nhỏ như: Nhà cộng đồng, bảo tàng làng nghề, trường học cấp mầm non, phổ thông, nhà văn hóa cấp huyện xã, các khu sinh thái tự nhiên… cũng đã có rất nhiều thành công. Biểu hiện của điều này rõ rệt nhất là các khía cạnh: Ngày càng nhiều giải thưởng quốc tế được trao cho tác phẩm kiến trúc Việt Nam; cộng đồng người dân địa phương chung sống phấn chấn với tác phẩm kiến trúc, cộng đồng trong nước – quốc tế tìm đến chiêm ngưỡng, cảm thụ, tương tác.
Mảng quốc tế hóa kiến trúc Việt Nam, theo tinh thần vươn mình để khẳng định không thua kém, các KTS Việt Nam đã tạo được những thành công không nhỏ. Sự hiện diện của các khu nhà ở cao tầng đáp ứng đầy đủ tiện nghi như tiêu chuẩn tiên tiến thế giới, với kiến trúc hiện đại khó phân biệt với các nước phát triển hàng đầu. Những bệnh viện đáp ứng tiêu chuẩn khám chữa bệnh theo cấp cao nhất của quốc tế; những trung tâm dịch vụ thương mại không thua kém nơi nào trên thế giới; những khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp… là những biểu hiện sinh động cho kết quả cống hiến có giá trị kỹ – mỹ thuật đạt tầm vóc, xứng đáng mong đợi về sáng tạo.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn lực lượng tư vấn quốc tế và lực lượng tư vấn Việt Nam, trên tinh thần sáng tạo cũng đã xuất hiện rõ hơn trong thời kỳ đổi mới, ngày càng có những tác phẩm đạt chất lượng cao ra đời. Đây cũng là một xu hướng tất yếu, cần cổ vũ, khuyến khích. Bởi những tác phẩm dạng này tạo nên cơ hội tốt cho việc dung nạp, kết hợp yêu cầu tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Xu hướng này có thể thấy rất rõ ở hàng loạt dự án của một số tập đoàn đa ngành lớn. Trong kỷ nguyên vươn mình, với phát triển khoa học công nghệ là then chốt, xu hướng này đã và đang tiến tới phát triển không giới hạn.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ngoài những niềm vui cống hiến, đồng hành của Kiến trúc – KTS cùng đất nước đi tới cơ đồ tươi sáng hôm nay – Vẫn còn những nỗi niềm đọng lại đối với Kiến trúc – KTS Việt Nam.
Đó là: Việc ứng dụng những kết quả về nghiên cứu – lý luận – phê bình – phản biện còn hạn chế trong thực tiễn ở mọi cấp độ, do chưa có hướng ra cho giải pháp và nguồn lực; việc đào tạo KTS cả quy hoạch – kiến trúc – cảnh quan – nội ngoại thất – nghiên cứu – lý luận còn chưa có đổi mới đáng kể từ thời kỳ đầu cho đến nay, trong khi khoa học công nghệ thế giới đang có những bước tiến như vũ bão. Đặc biệt là sáng tạo kiến trúc vẫn nhiều gian nan trên con đường triển khai: Từ việc thi tuyển – đấu thầu đến việc bảo vệ thành quả vẫn còn chưa có chế tài rõ ràng và đủ mạnh. Những chương trình kiến trúc lớn của Quốc gia, dự án lớn của nhà đầu tư tư nhân hầu như vắng bóng các nhà tư vấn “nội”; hoặc họ chỉ được giao làm những việc phụ, do ít được tin cậy và cũng không có điều kiện bắt buộc hợp tác với tư vấn bản địa, dù KTS và nhà tư vấn Việt Nam không ít những tài năng được thế giới thừa nhận. Ngôi nhà chung của giới KTS là Hội KTS Việt Nam, vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy giới nghề đến với cộng đồng trong lĩnh vực sáng tạo – Vai trò được giao và những gì làm được đều chưa đủ tầm vóc, chức năng để đồng hành hiệu quả…
TƯƠNG LAI NÀO CHO KIẾN TRÚC VIỆT NAM?
- Hãy cùng nhau, thử hoạch định một con đường cho phát triển kiến trúc Việt Nam vào tương lai với sự tích hợp từ những yếu tố nền tảng, ảnh hưởng.
- Về cơ sở pháp lý, từ chủ trương cho đến luật, hệ thông tiêu chuẩn, quy chuẩn… có lẽ chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội đề xuất chỉnh lý và bổ sung về mặt chi tiết, nhưng về khung thì cũng cơ bản đủ để cho Kiến trúc đi tới tương lai;
- Về phát triển khoa học công nghệ có lẽ là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến Kiến trúc sắp tới. Nhiều cơ hội vô cùng rộng lớn rất cần soi chiếu và ứng dụng một cách hợp lý, kịp thời nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, chính nó cũng mang đến nhiều nguy cơ nhất cho sự đánh mất “cái tôi” trong sáng tạo kiến trúc, đe dọa cả sự tồn tại của KTS hành nghề;
- Sự gia tăng của biến đổi khí hậu một cách khó lường, dẫn đến những thiên tai bất ngờ và thảm khốc, cũng là những tiền đề cần tích hợp mọi nơi mọi lúc khi làm kiến trúc;
- Sự biến đổi nhu cầu từ đối tượng “phục vụ” của kiến trúc, trong phát triển xã hội cũng thay đổi nhanh theo thời gian. Trong đó, có cả những khoảng trống vô lường mà đến nay chúng ta cũng chưa thể dự báo được;
- Văn hóa bản địa, về nền tảng sẽ có những bổ sung, gọt giũa theo tinh thần thời đại và yêu cầu hội nhập, cùng tồn tại và phát triển trên cơ sở sẻ chia, tôn trọng và giao thoa, điều này cũng ảnh hưởng đến kiến trúc không nhỏ;
- Cơ chế, mô hình xã hội cũng là một yếu tố cần được đặt ra và nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo nên những sản phẩm kiến trúc thích ứng. Không thể xem nhẹ vấn đề này, vì kiến trúc cũng là một công cụ biểu hiện quyền năng chính trị hữu hiệu ở mọi xã hội. Với cách tiếp cận đó, sự phát triển kiến trúc Việt Nam không thể ráp theo mô hình của Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore… mà vẫn phải có con đường riêng.
- Với cách nhìn đa diện – đa chiều như vậy, Kiến trúc Việt Nam tương lai sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề, mà người KTS chỉ là một mắt xích trong hệ thống chuyển động. Cơ bản, chính là các vấn đề: Kiến trúc với các yếu tố văn hóa bản địa và toàn cầu; ứng dụng công nghệ trong thiết kế kiến trúc; kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên; kiến trúc hướng tới những vấn đề nhân sinh và xã hội; góp phần cân bằng phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả; vai trò và trách nhiệm của KTS với cộng đồng và xã hội…
Mong rằng, Kiến trúc Việt Nam ngày càng xanh, hiện đại mà bản sắc trong nền kiến trúc toàn cầu – Hướng đến những giá trị nhân sinh và phát triển bền vững!
© Tạp chí Kiến trúc