Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky

Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky

Lấy cảm hứng từ câu chuyện dòng chảy của đá, Bản Gun – Khuổi Ky có tuổi đời hơn 400 năm trong đồ án quy hoạch kiến trúc cảnh quan có thể tạo diện mạo mới, vừa bảo tồn những ngôi làng đá cổ của người dân tộc Tày, vừa lưu giữ lại những nét văn hoá bản địa lưu truyền hàng trăm năm. Đồng thời đồng bộ hoá kiến trúc và cảnh quan, góp phần thúc đẩy văn hoá du lịch, đưa Bản Gun – Khuổi Ky trở thành một điểm đến bên cạnh những danh lam thắng cảnh của vùng đất Trùng Khánh – Cao Bằng. 

Thông tin đồ án: 

  • Tên đồ án: Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky
  • Địa điểm: Xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
  • Người thực hiện: Phan Thị Thu Trúc
  • Giảng viên hướng dẫn: TS.KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ
  • Trường: Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
  • Giải thưởng: Giải nhất Loa Thành 2024
  1. Tổng quan khu vực 

Giới thiệu khu vực nghiên cứu

Bản Gun – Khuổi Ky nằm tại xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, gần với các điểm du lịch nổi tiếng của huyện như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc

Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky nằm trên trục đường vào Động Ngườm Ngao, với thế dựa lưng vào núi, mặt hướng về suối Khuổi Ky. Đây là nơi lưu giữ nền văn hoá đá truyền thống của người dân tộc Tày, với kiến trúc là làng nhà sàn được xây dựng hoàn toàn bằng đá, tạo nên nét cổ kính và huyền thoại của ngôi làng có tuổi đời hơn 400 năm.

Làng đá có tuổi đời hơn 400 năm được công nhận là Làng văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người

Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky đã được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch công nhận là “Làng văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” năm 2008. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch ở Khuổi Ky.

Lý do chọn đề tài 

Bản Gun – Khuổi Ky hiện tại có ít hộ làm homestay, quy hoạch kiến trúc – cảnh quan chưa đồng nhất

Thuộc huyện Trùng Khánh, nơi có lượng khách du lịch lớn nhất tỉnh Cao Bằng, làng Khuổi Ky có vị trí gần các điểm du lịch của huyện như cách động Ngườm Ngao 400m, cách thác Bản Giốc 3km. Đến nay, riêng bản Khuổi Ky đã hoạt động du lịch 7 năm (từ 2016). Tuy nhiên cảnh quan nơi đây vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều tuyến đường còn hoang sơ, thiếu tính định hướng dẫn vào khu vực.

Nhiều nét văn hoá đặc trưng có thể khai thác nhằm thúc đẩy du lịch – văn hoá – kinh tế địa phương

Bên cạnh đó, giữa những ngôi nhà cổ truyền thống tại Làng đá Khuổi Ky xuất hiện một số công trình pha trộn giữa nét truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng đến nét đặc trưng riêng của ngôi làng. Cảnh quan chưa có sự quy hoạch và tổ chức hợp lý dẫn đến thiếu tính đồng bộ và thẩm mỹ.

Do đó, đề xuất đề tài Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky nhằm quy hoạch lại kiến trúc cảnh quan của làng đá cổ, bảo tồn và khai thác tiềm năng sẵn có của khu vực, đáp ứng các yêu cầu về phát triển, yêu cầu về quản lý và nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển du lịch.

  1. Mục tiêu quy hoạch thiết kế 

Mục tiêu quy hoạch thiết kế làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky dựa trên những thế mạnh của khu vực như vị trí địa lý, văn hoá, kiến trúc; khắc phục những bất cập đồng thời đưa ra ý tưởng nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch và kiến trúc vùng.

Đề tài hướng đến 3 mục tiêu chính vừa bảo tồn, phát triển và cải tạo lại các công trình hiện tại nhằm thúc đẩy văn hoá du lịch

Cụ thể:

Mục tiêu 1: Định hướng và phân bổ các khu chức năng để hướng đến làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky được bảo tồn và phục vụ cho công tác du lịch cộng đồng.

  • Về du lịch: Mục tiêu quy hoạch thiết kế cảnh quan bảo tồn và tôn tạo làng đá cổ phù hợp với nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Tày và hoạt động du lịch cộng đồng, tạo cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách trong nước và quốc tế.
  • Về kiến trúc: Từ việc thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng sẽ có thêm kinh phí để bảo dưỡng công trình kiến trúc, nâng cấp không gian sống tiện lợi cho người dân và khách du lịch.
  • Về văn hóa: Đảm bảo bảo vệ và phát triển bền vững vùng đất và văn hoá địa phương; cân nhắc giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu 2: Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan thích ứng với tính bản địa, hướng đến phát triển tôn trọng tự nhiên và du lịch bền vững.

  • Về du lịch: Tạo tuyến đường tiếp cận hấp dẫn và đặc trưng cho làng đá cổ để du khách có thêm cơ hội khám phá công trình kiến trúc đặc trưng và trải nghiệm văn hoá dân tộc Tày. Đảm bảo tăng tính đặc trưng cho tuyến đường tiếp cận làng đá cổ kết hợp quản lý du lịch cộng đồng hiệu quả.
  • Về giao thông: Cải thiện và đa dạng hóa tuyến đường tiếp cận làng đá cổ Khuổi Ky sẽ thu hút nhiều khách du lịch từ các điểm đến khác và mở rộng mạng lưới du lịch khu vực.
  • Về kiến trúc: Đảm bảo bảo vệ và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ.

Mục tiêu 3: Cải tạo công trình kiến trúc thích ứng với định hướng mới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

  • Về sự kết nối: Tạo không gian kết nối mọi người thông qua hoạt động trải nghiệm văn hoá.
  • Về kinh tế: Tạo cơ hội phát triển kinh tế địa phương thông qua hoạt động du lịch, văn hoá, góp phần tạo ra nguồn thu và công việc cho người dân địa phương.
  • Về văn hóa: Đảm bảo bảo tồn và phát triển văn hoá di sản của dân tộc Tày.
  • Về du lịch: Quản lý du lịch bền vững để cân bằng giữa mục tiêu phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá và thúc đẩy phát triển của địa phương.
  1. Cơ sở khoa học 
Một số điển hình về quy hoạch và phát triển kiến trúc kết hợp trải nghiệm văn hóa cộng đồng 

Dựa trên những đề án thiết kế và quy hoạch cảnh quan nhằm bảo tồn và phục hồi những ngôi làng truyền thống trong và ngoài nước kết hợp phát triển du lịch – văn hoá như làng miền núi Gaodang Buyi (Trung Quốc), công viên văn hoá đá đảo Jeju (Hàn Quốc), Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu), Phố cổ Hội An – Đà Nẵng, Bản Gun – Khuổi Ky sẽ được thực hiện theo mô hình thúc đẩy phát triển du lịch thăm quan ngắm cảnh kết hợp trải nghiệm văn hoá bản địa.

  1. Mục tiêu thiết kế 
Hiện trạng chung của khu vực chưa có sự đồng nhất và liên kết về hệ thống giao thông – dịch vụ – kiến trúc

Hiện trạng chung của khu vực Bản Gun – Khuổi Ky chưa có sự đồng nhất về kiến trúc, cảnh quan, nhiều khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.

  • Về kiến trúc: Khu vực mang kiến trúc đặc trưng bởi tường được làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên và mái ngói âm dương. Tuy nhiên hiện nay đang bị nguy cơ hiện đại hoá bởi những kiến trúc bê tông hiện đại.
  • Về cảnh quan: Chưa có sự quy hoạch chỉn chu, phần lớn là mảng cây tự nhiên.
  • Du lịch cộng đồng: Hiện tại số hộ làm homestay là 15 trên tổng số 184 hộ của bản, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trú cho khách du lịch trong mùa cao điểm.
  • Vật liệu ốp lát: Sử dụng phần lớn là đá chẻ không quy cách, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tạo ra những vùng trũng nước vào ngày mưa.

Theo đó, đề tài hướng đến 3 mục tiêu chính: Bảo tồn kiến trúc truyền thống của địa phương, kết hợp bảo tồn văn hoá bản địa; thay đổi không gian cảnh quan và kiến trúc phù hợp.

Mục tiêu thiết kế tập trung bảo tồn – thiết kế cảnh quan và kiến trúc 

Trong đó:

Định hướng và phân bổ các phân khu chức năng để hướng đến làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky được bảo tồn và phục vụ cho công tác du lịch cộng đồng.

  • Phân khu chức năng hợp lý với tính chất làng du lịch cộng đồng.
  • Bảo tồn các công trình kiến trúc cổ.
  • Xây dựng các công trình kiến trúc công cộng để phục vụ du lịch như nhà hàng, quán cà phê, spa…
  • Tạo khu triển lãm giới thiệu về lịch sử, văn hoá và các hoạt động của làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky.

Thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan thích ứng với tính bản địa, hướng đến phát triển tôn trọng tự nhiên và du lịch bền vững.

  • Duy trì và bảo vệ các cánh đồng lúa để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm như trồng lúa và thu hoạch cùng người dân địa phương.
  • Trồng thêm cây xanh và thực vật bản địa trên những lối đi và suối Khuổi Ky.

Cải tạo công trình kiến trúc thích ứng định hướng mới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

  • Cải tạo những công trình kiến trúc hiện đại bằng cách ốp lát đá, thay mái âm dương để đồng bộ hình ảnh làng đá cổ.
  • Đưa ra khung hướng dẫn thiết kế về mặt đứng kiến trúc.
  • Đưa ra đề xuất chuyển đổi công năng kiến trúc dùng để đón khách lưu trú.
  1. Ý tưởng thiết kế 

Khuổi Ky – trong tiếng Tày là dòng suối nhỏ, nơi bản làng được bao bọc phía trước bởi những con suối mềm mại, phía sau được nâng đỡ bởi những dãy núi đá hùng vĩ. Đó cũng là cảm hứng để thiết kế nên kiến trúc cảnh quan bảo tồn làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky, tái tạo lại ký ức, hiện tại và tương lai qua câu chuyện dòng chảy của đá.

Đá hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của người Tày tại Bản Gun – Khuổi Ky
Lấy cảm hứng từ dòng chảy của đá, Bản Gun – Khuổi Ky được thiết kế theo 5 khu vực

Ý tưởng thiết kế tuần tự theo từng khu vực Khởi (Lạo Tồng) – Hoài (Pưa Đía) – Tâm Tốc – Thịnh (Khửn Lồng) – Trải (Nằm Slúc).

Đá được người dân từ bao đời sử dụng để xây nhà cửa. Đá hiện hữu trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc Tày trong quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi hiện tượng tự nhiên hay cảnh quan tự nhiên đều do một vị thần cai quản.

Ngay từ khu vực bắt đầu vào bản, đá trở thành ngôn ngữ và nét đặc trưng để giới thiệu về bản làng, đồng thời là nơi gắn kết mọi người từ khắp mọi miền ghé thăm làng đá cổ.

Khu vực Khởi bao gồm Bãi xe khách, nhà đón tiếp, nhà triển lãm, làng Gun ẩm thực, nghĩa trang, bãi xe điện, miếu Thổ công, khu Gun lưu niệm và khu vực đồng ruộng/đồng hoa theo mùa.

Phối cảnh cổng chào đón tiếp 

Khu vực Hoài (Pưa Đía) bao gồm Làng đá cổ Gun Homestay và nhà dân.

Khu vực Tâm – Tốc bao gồm điểm checkin mái làng Khuổi Ky, đồng ruộng, tổ chức lễ hội cố định theo năm, nhà cộng đồng, làng đá cổ Khuổi Ky homestay, vọng cảnh, chuồng gia súc, suối Khuổi Ky.

Trích đoạn làng đá cổ Khuổi Ky
Phối cảnh làng đá cổ Khuổi Ky

Khu vực Thịnh (Khửng lồng) gồm các bậc thang xem trình diễn, làng homestay mới, cà phê ruộng và spa.

Phối cảnh khu homestay mới 
Phối cảnh nhà hàng cà phê đá cổ 

Khu vực Trải (Nằm Slúc) gồm ruộng bậc thang, nhà hàng/cà phê ẩn trong ruộng bậc thang, con đường đá cổ, vườn lan, khu quản lý động Ngườm Ngao/điểm bán vé, nhà thay đồ/WC, khu ẩm thực, khu đón tiếp và dịch vụ, vườn hoa màu, vườn hạt dẻ (đặc sản huyện Trùng Khánh) và nhà nông phẩm.

Phối cảnh bậc ngồi nghỉ chân ngắm cảnh
Phối cảnh con đường đá

Bài viết: Hương Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *