Tranh cãi xoay quanh sắc lệnh về kiến trúc liên bang của Trump

Tranh cãi xoay quanh sắc lệnh về kiến trúc liên bang của Trump

Sau khi tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, ông Donald Trump đã sớm ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp trong nhiệm kỳ thứ hai. Trong đó, đáng chú ý là bản ghi nhớ gửi Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) với tiêu đề “Thúc đẩy Kiến trúc Công dân Liên bang Đẹp đẽ” – một động thái gây tranh cãi sục sôi trong cộng đồng kiến trúc.

Định hình lại diện mạo kiến trúc liên bang

Theo bản ghi nhớ, các cơ quan liên quan có 60 ngày để đề xuất phương án cập nhật “Các Nguyên tắc Chỉ đạo về Kiến trúc Liên bang” năm 1962 của Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan. Mục tiêu là bảo đảm các công trình liên bang “làm đẹp không gian công cộng, tôn vinh quốc gia và thể chế tự quản”.

Sắc lệnh nhấn mạnh việc ưu tiên các phong cách kiến trúc cổ điển, truyền thống và phù hợp với vùng miền. Đồng thời, yêu cầu các công trình công phải dễ nhận diện là công trình công, nhằm nâng cao giá trị biểu tượng và tính gắn kết với cộng đồng.

Trụ sở FBI – Tòa nhà J. Edgar Hoover tại Washington D.C., được thiết kế theo phong cách kiến trúc Brutalism © Pablo Martinez Monsivais

Tái hiện sắc lệnh từng bị thu hồi

Động thái này không phải mới. Năm 2020, Tổng thống Trump từng ban hành sắc lệnh tương tự với tên gọi “Làm cho các Tòa nhà Liên bang Trở nên Đẹp đẽ một lần nữa”. Tài liệu này chỉ trích phong cách Brutalism và Deconstructivism – hai xu hướng kiến trúc phổ biến trong các công trình công hiện đại – là “không phản ánh đúng tinh thần dân chủ và giá trị quốc gia”. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị Tổng thống Joe Biden thu hồi vào đầu năm 2021.

Việc Tổng thống Trump tái khởi động chính sách này được giới quan sát xem là dấu hiệu cho thấy ông vẫn giữ vững quan điểm về việc kiến trúc công phải mang tính biểu tượng, có tính “giáo dục công dân” và gợi nhớ đến tinh thần của nền dân chủ cổ đại như La Mã và Athens.

Tranh cãi trong giới chuyên môn

Một công trình Liên bang tại San Francisco mang phong cách kiến trúc hiện đại, không theo lối cổ điển | Ảnh: Roland Halbe

Ngay từ năm 2020, sắc lệnh đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ giới kiến trúc sư, tiêu biểu là Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA). Tổ chức này cho rằng việc áp đặt một phong cách kiến trúc chính thức đi ngược lại tinh thần của các Nguyên tắc Moynihan – vốn nhấn mạnh rằng thiết kế công trình công cần xuất phát từ sự sáng tạo của giới hành nghề, chứ không từ sự chỉ đạo của chính phủ.

AIA cho rằng các công trình công cần phản ánh sự đa dạng văn hóa, khí hậu và bản sắc của từng vùng miền tại Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi cộng đồng kiến trúc sư ký tên vào thư phản đối gửi Nhà Trắng.

Trong thư ngỏ, AIA nhấn mạnh:

“Chúng tôi kiên quyết phản đối việc áp đặt phong cách kiến trúc từ cấp quản lý trung ương. Quyết định thiết kế cần được trao cho kiến trúc sư và cộng đồng địa phương, chứ không phải do một nhóm quan chức tại Washington D.C. quyết định”.

AIA cũng khẳng định rằng:

“Mọi phong cách kiến trúc đều có giá trị riêng. Mỗi cộng đồng đều có quyền lên tiếng về các công trình công được xây dựng để phục vụ họ”.

Năm 2025, Hạ nghị sĩ Dina Titus tiếp tục tái trình dự luật “Đạo luật Dân chủ trong Thiết kế” nhằm ngăn chặn các sắc lệnh mang tính áp đặt đối với kiến trúc công cộng.

Quan điểm từ phía ủng hộ

Ngược lại, những người ủng hộ sắc lệnh, như nhà phê bình kiến trúc Justin Shubow – cựu Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Công dân Quốc gia – cho rằng chính phủ có trách nhiệm bảo đảm công trình công không trở nên xa lạ với người dân. Ông lập luận rằng kiến trúc cổ điển là một phần của truyền thống dân chủ Hoa Kỳ, từng được các vị sáng lập quốc gia lựa chọn để thể hiện lý tưởng cộng hòa và minh bạch.

Một khảo sát do Harris Poll phối hợp cùng Hiệp hội này thực hiện cho thấy phần lớn người dân Mỹ có xu hướng ủng hộ kiến trúc cổ điển và truyền thống trong các công trình liên bang như tòa án và trung tâm hành chính.

Tòa án Wilkie D. Ferguson ở Miami với thiết kế hiện đại của công ty kiến trúc Arquitectonica © Robin Hill

Kiến trúc công trong thế lưỡng nan

Tranh luận về kiến trúc công tiếp tục cho thấy sự phân cực sâu sắc. Với một số người, kiến trúc cổ điển gợi cảm giác trang nghiêm, gần gũi và có tính kế thừa lịch sử. Với số khác, nó bị xem là biểu tượng của sự áp đặt và thiếu phản ánh thực tế xã hội đương đại – tương tự cách các chính thể toàn trị từng sử dụng kiến trúc như công cụ tuyên truyền trong thế kỷ 20.

Trong khi đó, phong cách Brutalism – vốn bị sắc lệnh chỉ trích – cũng là chủ đề gây chia rẽ: có người xem đó là biểu tượng của sự bền vững và minh bạch vật liệu; có người lại cho rằng nó thô kệch và lạnh lẽo.

Giữa những tranh cãi, câu hỏi lớn vẫn còn để ngỏ: Ai có quyền quyết định diện mạo không gian công cộng – chính phủ, giới chuyên môn hay cộng đồng?

Về các Nguyên tắc Hướng dẫn năm 1962

“Các Nguyên tắc Hướng dẫn về Kiến trúc Liên bang” năm 1962 do Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan khởi xướng – một trong những chính khách có tư duy kiến trúc sâu sắc nhất từng phục vụ chính phủ Hoa Kỳ. Văn kiện này khẳng định:

“Không nên phát triển một phong cách kiến trúc chính thức. Thiết kế phải xuất phát từ giới hành nghề kiến trúc, chứ không phải từ chính phủ.”

Việc ban hành sắc lệnh mới, đặt trong bối cảnh chính trị hiện tại, đang làm dấy lên lo ngại rằng kiến trúc công sẽ trở thành công cụ phục vụ tuyên truyền thay vì phản ánh đúng nhu cầu, ngữ cảnh và giá trị của cộng đồng địa phương.

Biên tập: Hoàng Anh | Theo: parametric-architecture

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *