Tóm tắt
Thiết kế tối giản là một xu hướng nổi bật trong kiến trúc và nội thất. Được biết đến với thuật ngữ Minimalism (Chủ nghĩa/Phong cách tối giản), với tinh thần nhấn mạnh vào sự thuần khiết, đơn giản của hình khối, giản lược đi những yếu tố trang trí không cần thiết, lấy con người làm trung tâm. Dù được nhắc đến rất nhiều trong bối cảnh hiện nay, nhưng Phong cách tối giản chưa bao giờ đứng độc lập như một trường phái cụ thể trong diễn trình kiến trúc và trong hệ thống triết lý thiết kế của các KTS. Bài nghiên cứu hướng đến tìm hiểu quá trình xuất hiện, nền tảng triết học, nguyên tắc thiết kế và cách tiếp cận tinh thần tối giản trong kiến trúc. Thông qua phương pháp nghiên cứu định tính, xem xét tài liệu hệ thống hóa lý thuyết từ sách, báo và các bài nghiên cứu trước đây, cùng với đó là các ví dụ làm rõ thông qua hình ảnh các tác phẩm, công trình được thiết kế. Nghiên cứu chỉ ra rằng: Tinh thần tối giản trong kiến trúc xuất hiện ở nhiều trào lưu khác nhau trong diễn trình kiến trúc và có nhiều cách tiếp cận đa dạng. Thông qua đó, nghiên cứu đóng góp một góc nhìn Chủ nghĩa tối giản và mở ra nhiều nghiên cứu lý thuyết trong trong tương lai.
Từ khóa: Chủ nghĩa tối giản, Thiết kế tối giản, Kiến trúc tối giản, Kiến trúc
1. Dẫn nhập
“Minimalism” ở Việt Nam được dùng với nghĩa “Chủ nghĩa tối giản” hay “Phong cách tối giản” và được sử dụng trong kiến trúc, nội thất như là một phong cách thiết kế. Tuy nhiên sự tối giản này cũng góp phần rất quan trọng trong kiến trúc nói riêng và các lĩnh vực nghệ thuật nói chung. Thuật ngữ này được hiểu là giản lược mọi thứ đến mức tối thiểu (Gumber, 2023). Là một trong những cách tiếp cận được cho là nổi bật của Kiến trúc hiện đại (Modernism), Phong cách tối giản được hiểu một cách rộng rãi như là một cách tiếp cận lược bỏ đi hầu hết các yếu tố trang trí không cần thiết, ít hoặc không có những chi tiết trang trí (Pile & Gura, 2014), hướng đến sự đơn giản, rõ ràng từ hình khối đến đường nét trong thiết kế (Yossef, 2014). Mục tiêu của cách tiếp cận này là tìm kiếm bản chất và tạo ra sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa yếu tố vật lý và sự trừu tượng và bản chất thật sự của các yếu tố trong kiến trúc.(Vasilski, 2012). Quan điểm này được truyền tải qua câu nói nổi tiếng của KTS Mies Van Der Rhode: “Less is More” (Ít tức là nhiều), minh chứng qua ngôn ngữ thiết kế rõ ràng, màu sắc trung tính, kết cấu đơn giản, loại bỏ sự dư thừa. Chủ nghĩa tối giản toát lên sự tĩnh lặng, đồng thời giúp tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất (Kamal & Nasir, 2022). Dù được nhắc đến rất nhiều trong bối cảnh hiện nay, nhưng Phong cách tối giản chưa bao giờ đứng độc lập như một trường phái cụ thể trong diễn trình kiến trúc và trong hệ thống triết lý thiết kế của các KTS (D.K. Ching et al., 2017; Michael et al., 2019; Owen, 2014; Pile & Gura, 2014; Robert & Margaret, 2020). Bài nghiên cứu hướng đến tìm hiểu quá trình xuất hiện, nền tảng triết học, nguyên tắc thiết kế và cách tiếp cận tinh thần tối giản trong kiến trúc. Bài báo được trình bày theo bố cục từ tổng quan những lý thuyết liên quan đến Chủ nghĩa tối giản và tinh thần của phong cách này – Cách mà sự tối giản thể hiện hiện trong các trường phái của Kiến trúc hiện đại và những hướng tiếp cận, từ đó khái quát những nguyên tắc tiếp cận chung của Chủ nghĩa tối giản trong kiến trúc và vận dụng trong bối cảnh kiến trúc đương đại.
2. Tổng quan những lý thuyết về Chủ nghĩa tối giản
2.1. Từ nguyên và sự ra đời của thuật ngữ “Minimalism”
Từ “Minimalism” có nguồn gốc từ tiếng Latin “minimus”, có nghĩa là nhỏ nhất hoặc ít nhất. Sau đó, nó được chuyển thể thành từ tiếng Anh “Minimal”, có nghĩa là “của hoặc liên quan đến số lượng ít nhất hoặc nhỏ nhất”. Bản thân thuật ngữ “Minimal” đã được sử dụng rộng rãi hơn trong thế kỷ 20, đặc biệt là trong bối cảnh nghệ thuật và văn hóa. Hậu tố “ism” gợi ý một triết lý hoặc tư tưởng. Trong từ điển Cambrigde, “minimalism” chỉ một phong cách nghệ thuật, thiết kế và sân khấu sử dụng ít loại vật liệu và màu sắc nhất có thể và chỉ những hình dạng hoặc hình thức rất đơn giản (Minimalism, 2024).
Thuật ngữ “Minimalism” được xuất hiện lần đầu tiên trong nghệ thuật thị giác (visual art) từ cuối năm 1950 đến đầu năm 1960. Wollheim (1923-2003), giáo sư danh dự về triết học và chuyên gia về phân tâm học và nghệ thuật, là người đặt ra thuật ngữ “minimalism” trong một bài tiểu luận năm 1965 có tựa đề Nghệ thuật tối giản (Minimal Art). Ông lập luận rằng đặc điểm chính của các tác phẩm giai đoạn này có “nội dung nghệ thuật tối thiểu” – tức là thiếu những phẩm chất thông thường vốn định nghĩa nghệ thuật phương Tây theo truyền thống. Nhưng đối với Judd, một nghệ sỹ sau này được gắn với Chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật thị giác, “Chủ nghĩa tối giản” chỉ là một từ vô dụng mà các nhà văn, nhà phê bình dùng để đàn áp các nghệ sĩ. (Chayka, 2020)
Mặc dù ban đầu từ này gắn liền với nghệ thuật thị giác, khái niệm Chủ nghĩa tối giản dần dần lan rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm kiến trúc, thiết kế và thậm chí cả phong cách sống, nơi mà ngày nay nó đề cập đến một lối sống hoặc triết lý coi trọng sự đơn giản, sắp xếp gọn gàng và ưu tiên các nhu cầu thiết yếu.
2.2. Sự xuất hiện của xu hướng tối giản trong kiến trúc
2.2.1. Chủ nghĩa hiện đại và sự giản lược trong ngôn ngữ kiến trúc
Dù rằng thuật ngữ “minimalism” xuất hiện những năm 1950-1960 trong nghệ thuật thị giác và được dùng nhiều trong phê bình kiến trúc những năm 1990, nhưng những cách tiếp cận tối giản đã xuất hiện trong Chủ nghĩa hiện đại của kiến trúc từ những năm 1920. Chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc đề cập đến một phong trào kiến trúc rộng lớn xuất hiện vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20, chủ yếu từ những năm 1920 đến 1960, và đặc trưng bởi việc chủ động phá vỡ các phong cách kiến trúc truyền thống, là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với kiến trúc cổ điển (“Kiến trúc hiện đại,” 2024). Với việc tập trung vào sự đơn giản, tối giản và loại bỏ các vật trang trí, Chủ nghĩa hiện đại cho phép các nhà thiết kế tập trung vào chức năng của các tòa nhà. Các vật liệu và công nghệ xây dựng mới đã dẫn đến nội thất có không gian mở đầy sáng tạo cũng như các tòa nhà cao hơn và nhẹ hơn (Robert & Margaret, 2020). Nổi bật với các KTS như: Le Corbusier, Ludwig Mies van der Rohe, Walter Gropius, Các KTS theo trường phái Hiện đại mong muốn phản ánh các giá trị và tiến bộ của thời đại mới, đồng thời áp dụng các công nghệ, vật liệu mới và phương pháp thiết kế chức năng. Những đặc điểm chính của Chủ nghĩa hiện đại có thể kể đến như: (1) Hình học đơn giản, (2) Nhấn mạnh vào chức năng, (3) Ít hoặc không có đồ trang trí (4) Bề mặt nhẵn, (5) Bảng màu vật liệu tối giản, (6) Kính, thép và bê tông, cùng với đó là (7) Nội thất không gian mở (Robert & Margaret, 2020).
Một trong những trường phái tiêu biểu có thể kể đến trong Kiến trúc Hiện đại là Bauhaus. Trường phái này coi kiến trúc như một phần không thể tách rời của cuộc sống con người, với các công trình không chỉ là những vật thể tĩnh mà là những cấu trúc động, phản ánh sự thay đổi và linh họat trong đời sống. Quan điểm của trường phái Bauhaus cho rằng kiến trúc giống như cuộc sống của con người, là những cấu trúc động, cần thoát khỏi những ước lệ cũ, bỏ những trang trí dư thừa đưa tới sự đơn giản và tính trong sáng. Thiết kế cần phù hợp với kích thước vật lý của con người, tâm sinh lý, yêu cầu về sinh họat của con người. Không gian phải tự do, không gò bó, phù hợp với tinh thần tự do của con người. Và sử dụng các yếu tố tự nhiên như nắng, gió… để xác định khoảng cách giữa các ngôi nhà. Trong xây dựng cần cơ giới hóa thi công và tiêu chuẩn hóa cấu kiện cũng như đồ dùng trong nhà. (Trọng Chi, 2012)
“Less is more” của Mies Van Der Rhode – Thông qua sự nhẹ nhàng của cấu trúc, sự tự do trong các mặt bằng của mình và sự tinh khiết của các chi tiết, ông đã cố gắng tạo ra một phiên bản hiện đại của Chủ nghĩa tối giản. Ông thường sử dụng cụm từ “Beinahe nichts, gần như không có gì”, để mô tả thách thức của thiết kế. Nó tạo ra một vẻ đẹp trống rỗng hấp dẫn mà các chức năng phải thích nghi (Richard, 2019).
Mỗi công trình đều thể hiện được sự tối giản, loại bỏ được các chi tiết và hình thức cũ trong kiến trúc cổ điển như hoa văn phức tạp, cột hay mái vòm mà sử dụng các vật liệu hiện đại như kính và khung thép, giúp giải phóng được không gian và kết nối với thiên nhiên bên ngoài, tận dụng và xử lý được nguồn ánh sáng tự nhiên một cách linh họat. Tạo ra “không gian vạn năng” và mang đến cho người sử dụng những trải nghiệm mới lạ hơn.
Cũng từ Chủ nghĩa Hiện đại, phong cách quốc tế bắt đầu xuất hiện trong những năm đầu thế kỉ 20. Mang tinh thần chung là chú trọng vào hình thức đơn giản và tinh gọn, với các mặt phẳng và đường nét thẳng, tạo cảm giác sạch sẽ, rõ ràng. Phong cách quốc tế đã ảnh hưởng sâu rộng trên toàn cầu, đặc biệt là trong việc thiết kế các tòa nhà cao tầng, văn phòng. Phản ánh sự tiến bộ của công nghệ và khoa học. Dẫn đầu là các KTS như Le Corbusier với công trình Villa Savoye; Ludwig Mies van der Rohe với Seagram Building.
Le corbusier sinh năm 1887 và qua đời vào năm 1965, thiết kế của ông chủ yếu tập trung vào giữa thế kỷ 20, từ 1920 đến 1960. Đây cũng là giai đoạn ông có ảnh hưởng sâu rộng với kiến trúc hiện đại, là KTS tiên phong của phong trào hiện đại trong kiến trúc, ông cũng đã có rất nhiều câu nói về triết lý trong thiết kế kiến trúc và tối giản cũng là một trong các triết lý ông quan tâm và đề cập đến rất nhiều “Less is more.” (Ít hơn là nhiều hơn), “A house is a machine for living in.” (Nhà là cỗ máy để ở), “The design of a building is not a matter of mere decoration but of the essential nature of space.” (Thiết kế một công trình không phải là vấn đề trang trí đơn thuần mà là bản chất của không gian), “Simplicity is the keynote of all true elegance.” (Sự đơn giản là chìa khóa của tất cả sự thanh lịch thật sự),… Các câu nói trên được chứng minh qua các công trình của ông bởi sự đơn giản nhưng luôn đầy tính sáng tạo và hiệu quả.
John Pawson sinh năm 1949, thiết kế của ông tập trung vào những năm 1990 đến ngày nay. Là một trong những KTS tiên phong hàng đầu trong kiến trúc tối giản cùng với những công trình đã được xây dựng là dẫn chứng tốt nhất cho quan điểm của ông. Những câu nói của ông mang tính tổng quan, tiêu biểu, góp phần cho nền kiến trúc trên thế giới: “Minimalism is not a style, it’s an approach” – Tối giản không phải là một phong cách, mà là một cách tiếp cận”, “The simplicity comes from the clarity of intention – Sự đơn giản đến từ sự rõ ràng của mục đích”, “In a way, minimalism is a way of saying less, but saying it more effectively – Theo một cách nào đó, tối giản là cách nói ít đi, nhưng nó hiệu quả hơn”, “The nature of minimalist design is that it is not immediately obvious – Bản chất của thiết kế tối giản nó không rõ ràng ngay lập tức”,… Những câu nói trên của John Pawson vẫn được công nhận, tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
2.2.2. Phương Đông với Vô Vi (Đạo giáo), Thiền tông phật giáo (Zen Buddhist) đến tư tưởng thiết kế của Tadao Ando
Sự xuất hiện của tư tưởng về sự bình dị trong triết học phương Đông
Thiền tông Phật giáo (Zen Buddhism), phát triển ở Trung Quốc và lan truyền sang Nhật Bản vào thế kỷ thứ 12, đã đặt tên cho một phong cách kiến trúc Nhật Bản dựa trên các ví dụ từ thời nhà Tống ở Trung Quốc. Bản chất của Thiền là sự giác ngộ thông qua thiền định (Michael et al., 2019). Đây không chỉ là một phương pháp tu hành mà còn được xem là một cách nhận thức về bản chất, cuộc sống và sự thức tỉnh nhận thức của con người thông qua sự đơn giản, tĩnh lặng. Nó khuyến khích con người sống một cách tự nhiên, đơn giản, không bị kìm hãm bởi hình thức hay bất kì khái niệm nào. Từ đó có thể đạt được sự hòa quyện tuyệt đối giữ thể xác và tâm hồn của con người. Giới trí thức Nhật Bản đánh giá cao Quán trà (Tea House) vì tính tối giản của nó, đạt được theo lý thuyết thiết kế được gọi là wabi-sabi, “sự đơn giản mộc mạc”. Trái ngược với tính đối xứng và trật tự nghiêm ngặt của kiến trúc châu Âu và Ba Tư, các nhà thiết kế Nhật Bản đã phát triển tính không hoàn hảo, không vĩnh cửu và không đầy đủ. (Richard, 2019).
Cùng với đó, một phạm trù của triết học Trung Quốc. Lão Tử (Laozi) là người đầu tiên đưa ra mệnh đề “Vô vi nhi vô bất vi” (không làm gì nhưng không có nghĩa là không làm) để giải thích về mối quan hệ biện chứng giữa giới tự nhiên và con người. Theo ông, “đạo” với tư cách là bản thể của vũ trụ, đã hình thành một cách tự nhiên trời, đất, vạn vật; ông gọi cái “một cách tự nhiên” của nó là “Vô vi”; và gọi cái việc sinh ra vạn vật của nó là “vô bất vi” (không phải là không làm) (Viện từ điển học và bách khoa toàn thư Việt Nam, n.d.). Lão Tử khuyến khích sự đơn giản, khiêm tốn và sống một cuộc sống không có ham muốn quá mức và sự phức tạp giả tạo.
Ở trên là hai trong số những tư tưởng triết học Phương Đông hướng đến sự giản dị, khiêm tốn, những tư tưởng đó ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống từ âm nhạc, thơ ca hội họa. Chủ trương “Gợi” hơn là “Tả” trong nghệ thuật Đông phương.
Tadao Ando (sinh năm 1941), là một trong số ít KTS nổi tiếng ở Nhật Bản không liên quan đến Kenzo Tange, đã lấy cảm hứng từ khoảng không vũ trụ tìm thấy trong các khu vườn Thiền. Thiết kế của ông chỉ với các bức tường bê tông phẳng, Ando đã tạo ra những không gian mà ánh sáng ban ngày có thể lọc qua các bẫy ánh sáng. Công trình Nhà thờ Ánh sáng (Church of Light) của ông tập trung vào bức tường, nơi có một mặt phẳng vuông được trổ một cây Thánh giá để ánh sáng bên có thể ngoài xuyên vào không gian. Ando định hình cấu trúc của ngôi nhà và bảo tàng của mình như những tấm che mắt tập trung vào một góc nhìn cụ thể, tương tự như chức năng của các cửa sổ trong một quán trà Nhật Bản. Không cần đến biểu tượng lịch sử, ông đã nắm bắt được bản chất của bản sắc Nhật Bản trong các hình thức hiện đại trừu tượng (Owen, 2014). Có thể hiểu rằng theo Tadao Ando trong kiến trúc đôi khi không cần phải diễn tả cụ thể bằng những chi tiết phức tạp, trừu tượng mà chỉ cần tập trung vào bản chất của không gian, ánh sáng, vật liệu, thiên nhiên và con người có thể trải nghiệm, hiểu được gì từ những yếu tố trên mang lại. Một trong những công trình được cho rằng thành công nhất của Tado Ando bởi các yếu tố về ánh sáng, không gian, màu sắc, vật liệu… được tối giản một cách triệt để nhưng vẫn làm cho người trải nghiệm cảm nhận được những điều thiêng liêng, tĩnh lặng, ý nghĩa trong công trình mà không cần phải diễn tả một cách quá cầu kì.
2.2.3. Từ giản lược hiện tượng học kiến trúc đến trải nghiệm đa giác quan
Hiện tượng học và Hiện tượng học Kiến trúc
Hiện tượng học (phenomenology) là nhánh triết học nghiên cứu cấu trúc của sự trải nghiệm (experience) và ý thức (consciousness). Edmund Husserl (1859-1938) là người sáng lập chính của Hiện tượng học và là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Mệnh đề được Ông đưa ra tập trung về bản chất của ý thức, mọi kinh nghiệm hay hành động của ý thức đều hướng về một cái gì đó, mà ông gọi là tính ý hướng (hay ý hướng tính, chủ ý). Hiện tượng học tập trung vào các nhận thức, suy nghĩ, hành động hướng đến mọi sự vật sự việc trên thế giới và thậm chí là chính ý thức, cách mọi thứ được định hướng qua các hình thức kinh nghiệm những điều ý nghĩa bởi trải nghiệm khác nhau. Trong hiện tượng học, chủ đề được quan tâm đến có thể kể đến là sự giản lược (reduction), trở về với chính sự vật (to the thing themselve). Từ đó Hiện tượng học đi vào kiến trúc như việc tạo ra những không gian thu hút các giác quan và cảm xúc của con người, cách mà vật liệu, ánh sáng, màu sắc, nắng, gió, tác động đến trải nghiệm của các giác quan và những trải nghiệm sống đã có của chủ thể. Do vậy, kiến trúc có thể gợi lên ý nghĩa và ký ức của chủ thể trải nghiệm.
Với hiện tượng học Kiến trúc, cách tiếp cận chú trọng vào trải nghiệm của giác quan trong không gian, hương, sắc, vị, ưu tiên trải nghiệm của con người hơn là các đồ trang trí. Hướng đến bác bỏ sự dư thừa, thay vào đó tập trung vào bản chất của không gian. Những KTS có thể kể đến trong diễn giải Hiện tượng học như Juhani Pallasmaa, Peter Zumthor, Tadao Ando. Với Zumthor, ông tìm cách sáng tác “những công trình, mà theo thời gian cơ thể phát triển tự nhiên thành một phần của hình thức và lịch sử của nơi đó” (Goodman & Mallgrave, 2011), cụ thể như Nhà Nguyện Klaus hay Nhà tắm Thermal Vals.
3. Chủ nghĩa tối giản trong tiếp cận thiết kế kiến trúc
Có thể thấy rằng tinh thần tối giản được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau trong thiết kế kiến trúc, không đơn thuần là sự giản lược trong ngôn ngữ hình thức, cùng với đó là sự trải rộng trong tiếp cận từ phương Tây đến phương Đông. Từ đó có thể nêu ra những cách tiếp cận của sự tối giản trong thiết kế kiến trúc như:
Giản lược hướng đến sự đơn giản và rõ ràng trong ngôn ngữ: Hình khối và đường nét hình học luôn là yếu tố đầu tiên được kể đến bởi tính trực quan và là hình ảnh đại diện bên ngoài của chức năng, kiến trúc tối giản rõ ràng là tiếp cận trong việc lược bỏ bớt những yếu tố không cần thiết đơn giản, lượt bỏ các yếu tố trang trí tạo ra sự mạch lạc. Dù rằng việc chấp nhận lược bỏ những yếu tố trang trí cũng là vấn đề mà sau này Hậu hiện đại phản bác lại tinh thần của Hiện đại trong kiến trúc vì sự nhàm chán và đơn nghĩa của Nó.
Công năng thực dụng và linh hoạt, tạo không gian tự do: Với những minh chứng không thể cụ thể hơn về tổ chức không gian chức năng đa dụng, theo chủ trường hình thức chạy theo công năng, hay nguyên tắc mặt bằng tự do, mặt đứng tự do, cửa sổ băng ngang của Le Corbusier là một minh chứng không thể chối cãi cho tính thực dụng của Chủ nghĩa hiện đại trong việc tối đa hóa diện tích sử dụng, giảm sự phụ thuộc và hạn chế của các phương thức xây dựng truyền thống. Những mặt bằng mở, tự do cho phép sự tùy biến linh họat cũng là một cách tiếp cận đặc trưng của Phong cách Quốc tế mà tiêu biểu là Mies Van De Rhode.
Hướng đến tính trung thực của vật liệu và logic hình học: Bằng hình thức rõ ràng, yếu tố vật liệu cũng được khai thác một cách triệt để. Kính, thép, bê tông được sử dụng rộng rãi với đúng bản chất và tính năng vốn có. Mối liên hệ mạch lạc rõ ràng giữa công năng, logic hình học, logic kiến tạo và tính năng của vật liệu đạt đến mức tối đa giúp cho kiến trúc “sạch” hơn bao giờ hết.
Khai thác các yếu tố tự nhiên (cây xanh, mặt nước, ánh sáng, nắng, gió…): Có thể xem đây là một cách tiếp cận bị lệ thuộc bởi vật liệu kính và bản chất của không gian mở, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng bằng không gian tối giản, vật liệu kính và lược bỏ đáng kể những yếu tố trang trí, góp phần tạo nên sự tập trung đáng kể trong trải nghiệm với bối cảnh xung quanh, giúp cảm nhận được rõ ràng các yếu tố môi cảnh. Nhờ khai thác yếu tố ánh sáng tự nhiên này mà bản thân vật liệu cũng toát lên một tinh thần khác.
Lấy trải nghiệm con người làm trung tâm: Với những KTS nổi lên của Chủ nghĩa Hiện tượng học kiến trúc, tinh thần tối giản cũng được kể thông qua việc khai thác triệt để các yếu tố ngữ cảnh, đến vật liệu, âm thanh, ánh sáng giúp trải nghiệm kiến trúc không còn dừng lại ở trải nghiệm thị giác thuần túy. Ở đó, các giác quan được trao những vai trò cụ thể và thông qua những hiện tượng kiến trúc gợi lên trong từng đối tượng tiếp nhận những ký ức và câu chuyện khác nhau.
Chủ nghĩa Tối giản trong bối cảnh mới
Dù rằng cách tiếp cận tối giản trong kiến trúc khá rộng, tuy nhiên đại đa số quan điểm vẫn gắn tối giản vào Chủ nghĩa Hiện đại trong kiến trúc với việc tập trung vào khái niệm đơn giản trong hình thức và trang trí. Do vậy trong bối cảnh Kiến trúc hiện đại (Modernism) bước vào giai đoạn khủng hoảng, những lý luận của Kiến trúc Hậu – Hiện đại (Post-Modernism) tập trung vào sự đơn điệu với Kiến trúc hiện đại tập trung và đặt ra những vấn đế như: Kiến trúc hiện đại đơn điệu và nhàm chán; thờ ơ với môi cảnh; khiến lịch sử và truyền thống bị lãng quên; chạy đua thương mại hóa trong kiến trúc; làm mất cảm xúc của vật liệu kiến trúc. Là những thách thức mà tinh thần tối giản cần phải được nghiên cứu có tính hệ thống hơn và diễn giải cụ thể hơn.
Những tên tuổi lớn trong nền kiến trúc thế giới những năm gần đây như Giải thưởng Priker 2023 David Chipperfield hay 2024 – Riken Yamamoto với những thiết kế cũng không kém phần tối giản nhưng vẫn phù hợp với tinh thần văn hóa và bối cảnh thời đại.
4. Kết luận
Từ tinh thần triết học phương Đông đến phương Tây, con người luôn hướng đến việc tìm kiếm bản chất thuần túy nhất, cũng từ đó tinh thần tối giản ra đời. Có thể hiểu rằng tối giản không phải là lược bỏ một cách cứng nhắc máy móc hình thức bên ngoài mà chính bản thân nó cũng chứa đựng những tính toán một cách có chủ đích, “vô vi nhi, vô bất vi” (Lão Tử). Ngày nay nhiều trào lưu và khuynh hướng mới sử dụng công nghệ hay phỏng sinh học được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế, nhưng bản thân Phong cách tối giản vẫn luôn được phát triển và mở rộng, len lỏi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
ThS.KTS. Trần Trọng Tin, Tô Minh Quân – Nguyễn Thị Thanh Thảo, Quách Thanh Phương Thu, Đặng Xuân Quang
Khoa Kiến trúc và Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Đà Lạt, Lâm Đồng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)
Tài liệu tham khảo
- Chayka, K. (2020, January 14). A Short History of Minimalism. The Nation. https://www.thenation.com/article/archive/longing-for-less-excerpt/
- D.K. Ching, F., Jarzombek, M., & Prakash, V. (2017). A Global History of Architecture. Wiley.
- Goodman, D., & Mallgrave, H. F. (2011). An Introduction to Architectural Theory: 1968 to Present. Wiley.
- Gumber, S. (2023). Minimalism in Design: A trend of simplicity in complexity. ShodhKosh: Journal of Visual and Performing Arts, 4(2). https://doi.org/10.29121/shodhkosh.v4.i2.2023.539
- Kamal, M., & Nasir, O. (2022). Minimalism in architecture: A basis for resource conservation and sustainable development. Facta Universitatis – Series: Architecture and Civil Engineering, 20(3), 277–300.
- https://doi.org/10.2298/FUACE221105021K
- Kiến trúc hiện đại. (2024). In Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/
- Michael, F., Marian, M., & Lawrence, W. (2019). Buildings Across Time: An introduction to World architecture (5th Eddition). McGraw-Hill Education.
- Minimalism. (2024, November 27). https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/minimalism
- Owen, H. (2014). Architectural Style: A Visual Guide. Laurence King Publishing Ltd.
- Pile, J., & Gura, J. (2014). A history of Interior design. Wiley.
- Richard, I. (2019). World Architecture: A Cross-Culture History (2nd Edition). Oxford University Press.
- Robert, P., & Margaret, F. (2020). Architectural styles: A visual guide. Princeton University Press.
- Trọng Chi, T. (2012). Lược sử Kiến trúc Thế giới (quyển 2). Nxb Xây Dựng.
- Vasilski, D. (2012). Minimalism in architecture: Architecture as a language of its identity. Arhitektura i Urbanizam, 34, 42–65. https://doi.org/10.5937/arhurb1234042V
- Viện từ điển học và bách khoa toàn thư Việt Nam. (n.d.). Vô Vi. Retrieved November 29, 2024, from https://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?ItemID=2739
- Yossef, M. N. A. (2014). Language of Minimalism in Architecture. Journal of Engineering and Applied Science, 61.